Thông tư 01/2008/TT-BKHCN hướng dẫn cấp, thu hồi thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 01/2008/TT-BKHCN
Ngày ban hành 25/02/2008
Ngày có hiệu lực 23/03/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ Điều kiện hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “giám định sở hữu công nghiệp”) như sau:

I. ĐIỀU KIỆN VÀ HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Các chuyên ngành giám định sở hữu công nghiệp

Lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP bao gồm các chuyên ngành sau đây:

a) Giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

b) Giám định kiểu dáng công nghiệp;

c) Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;

d) Giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác.

2. Điều kiện cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp

Các Điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Thẻ giám định viên”) quy định tại khoản 3 Điều 44 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP được hiểu như sau:

a) Điều kiện có trình độ đại học về lĩnh vực giám định được hiểu là có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành kỹ thuật, các ngành khoa học vật lý, hoá học hoặc sinh học đối với chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học thuộc bất kỳ ngành nào đối với các chuyên ngành giám định khác.

b) Điều kiện về phẩm chất đạo đức được hiểu là chưa bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích.

c) Điều kiện về trình độ nghiệp vụ sở hữu công nghiệp được hiểu là được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điểm c khoản 6 Mục II của Thông tư này.

3. Điều kiện hoạt động đối với tổ chức giám định sở hữu công nghiệp

Các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp được hoạt động giám định sở hữu công nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các Điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 42 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, trong đó “Giấy phép đăng ký kinh doanh, hành nghề giám định theo pháp luật hiện hành” là Giấy chứng nhận tổ chức đủ Điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp được cấp theo thủ tục quy định tại khoản 3 Mục IV của Thông tư này (sau đây gọi là “Giấy chứng nhận tổ chức giám định”).

4. Hình thức hoạt động giám định sở hữu công nghiệp

Cá nhân được cấp Thẻ giám định viên chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 44 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Trường hợp cá nhân chọn hình thức hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức giám định sở hữu công nghiệp thì giám định viên phải được ghi nhận vào Danh sách giám định viên thuộc tổ chức theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định và hình thức hoạt động đó được ghi nhận vào Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 6 Mục III của Thông tư này.

II. KIỂM TRA NGHIỆP VỤ GIÁM ĐỊNH SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Nội dung kiểm tra và đối tượng được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp

a) Nội dung kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại Điểm d khoản 3 Điều 44 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP bao gồm môn pháp luật sở hữu công nghiệp và các môn chuyên ngành giám định.

b) Môn pháp luật sở hữu công nghiệp là nội dung kiểm tra bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành giám định.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra về sở hữu công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật về sở hữu công nghiệp tại tổ chức nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp thì được miễn kiểm tra môn pháp luật sở hữu công nghiệp.

c) Các môn chuyên ngành giám định gồm giám định sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích) và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giám định kiểu dáng công nghiệp, giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) và giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác là nội dung kiểm tra đối với chuyên ngành giám định tương ứng.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả thẩm định (xét nghiệm) nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế thì được miễn kiểm tra môn chuyên ngành giám định tương ứng.

2. Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Hội đồng kiểm tra”) trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; thành viên của Hội đồng kiểm tra bao gồm những người có kinh nghiệm và uy tín về chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

[...]