Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông báo hiệu lực của Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giữa Việt Nam và Cu-ba

Số hiệu 63/2014/TB-LPQT
Ngày ban hành 27/03/2014
Ngày có hiệu lực 01/09/2014
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Cuba,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trịnh Đình Dũng,Rodrigo Malmierca Diaz
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba, ký tại La Ha-ba-na ngày 27 tháng 3 năm 2014, có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

Bộ ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Chương trình theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ

KINH TẾ SONG PHƯƠNG TRUNG HẠN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CU-BA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đây gọi tắt là “bên Việt Nam” và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba, sau đây gọi tắt là “bên Cu-ba”, căn cứ Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Cu-ba về xây dựng chương trình nghị sự kinh tế song phương, ký ngày 07 tháng 8 năm 2013 tại Hà Nội, hai Bên đã thỏa thuận chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn với các điều kiện sau:

Lời giới thiệu

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cu-ba đang trải qua thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử, giữa hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, các ngành và các lĩnh vực của đời sống xã hội hai nước có mối quan hệ và tiếp xúc chặt chẽ.

Quan hệ song phương đã đi vào giai đoạn phát triển cao nhất, hai nước đang có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề quốc tế nổi bật và những vấn đề có liên quan đến lợi ích cơ bản của mỗi nước.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ về chính trị, kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Cu-ba ngày càng được củng cố. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cu-ba tại khu vực Châu Á và Châu Đại dương.

Trong Tuyên bố chung ký giữa hai nước nhân chuyến thăm chính thức Cu-ba của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Tư năm 2012, lãnh đạo hai nước đã bày tỏ hài lòng về sự phát triển đạt được trong mối quan hệ song phương và chia sẻ mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ chính trị và trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về những vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm; tranh thủ tiềm năng của mỗi nước nhằm mở rộng và đa dạng hóa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và tìm kiếm các cơ chế để thúc đẩy hợp tác.

Trong các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Cu-ba, hai Bên đã đánh giá tích cực sự cần thiết xây dựng mối quan hệ kinh tế song phương với tầm nhìn trung và dài hạn, phù hợp và có tính đến các tiền đề và mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế quốc gia của Cu-ba giai đoạn 2011-2015 và dự báo đến 2016, Đường lối chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng đã được thông qua tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba, cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2012-2020, đã được bổ sung và mở rộng trong năm 2011, được thông qua tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có tính đến tiềm năng to lớn và cơ hội mà sự hợp tác bổ sung mang lại cho nhau, sự tin tưởng lẫn nhau, nguyện vọng và mối quan tâm chung, nhằm đưa quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước chuyển sang giai đoạn cao hơn, căn cứ vào các thỏa thuận trong Biên bản Ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba ký ngày 07/8/2013 tại Hà Nội, Việt Nam, hai bên đã thống nhất Chương trình Nghị sự kinh tế song phương trung hạn, trong đó xác định chiến lược chủ đạo để hai nước sử dụng như kim chỉ nam phấn đấu tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại trong 5 năm tới.

Chương I

NGUYÊN TẮC VÀ MỤC ĐÍCH

Để thúc đẩy phát triển toàn diện và sâu sắc mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cu-ba, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, hai Bên nhất trí xây dựng Chương trình Nghị sự kinh tế song phương trung hạn trên tinh thần bình đẳng, lợi thế so sánh của mỗi nước và tạo sự bổ sung lẫn nhau nhằm đạt được kết quả có lợi cho cả hai Bên.

Chương trình Nghị sự xác định mục đích, mục tiêu cụ thể và định hướng đối với hợp tác song phương trong 5 năm tới nhằm mở rộng và làm sâu sắc sự hợp tác này.

Từ việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự, hai bên sẽ đa dạng hóa hợp tác song phương, mở ra những chân trời mới cho cơ hội kinh doanh và đầu tư chung. Những mục tiêu chính của Chương trình Nghị sự kinh tế song phương:

1. Đưa ra tầm nhìn chiến lược của mối quan hệ kinh tế song phương trung hạn và dài hạn, có tính đến sự phát triển bối cảnh quốc tế.

2. Mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế song phương trên tất cả các lĩnh vực.

3. Thúc đẩy trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ, gia tăng đầu tư chung và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.

4. Phối hợp chặt chẽ hơn các sáng kiến kinh tế và thương mại trong những lĩnh vực hợp tác mà hai Bên cùng quan tâm.

5. Xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong 5 năm tới.

[...]