Thông báo 96/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 96/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/04/2022
Ngày có hiệu lực 04/04/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH DƯƠNG

Ngày 19 tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ động thổ Khu công nghiệp VSIP III Bình Dương, thăm và dự Lễ khánh thành, động thổ các dự án nhà ở xã hội Becamex, sau đó làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Dự buổi làm việc cùng Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu Tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi nghe báo cáo do đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trình bày; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương trong thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Bình Dương có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực: GRDP tăng 2,62%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ đạt trên 89,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,8%; thu ngân sách đạt gần 66.788 tỷ đồng, vượt 14% dự toán; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 2,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 36% so với năm 2020 và có 87,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 12% so với năm 2020.

Quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,6% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 16,1 tỷ đô la Mỹ; thu ngân sách ước đạt 28% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (16.500 tỷ đồng); thu hút đầu tư nước ngoài tăng 16,9% so với cùng kỳ (ước đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ). Nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển với 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí. Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đã kịp thời tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, là một trong những tỉnh có số ca mắc COVID-19 tích lũy cao nhất cả nước nhưng tỉnh Bình Dương đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm tối đa các ca tăng nặng và tử vong.

Tuy nhiên, Bình Dương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp quyết liệt để đạt các mục tiêu đã đề ra: hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng tuy được chú trọng đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển chung của Tỉnh. Mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục ... chưa cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp trong nhóm thấp, cần được cải thiện... Những hạn chế, khó khăn cần được phân tích, đánh giá nghiêm túc, thấu đáo, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó phát huy nhiều thành tích đã đạt được và đề ra nhiệm vụ, yêu cầu giải pháp phù hợp với thực tiễn.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong và ngoài nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, do vậy Tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, kịch bản ứng phó, bám sát thực tiễn để điều chỉnh linh hoạt, thích ứng với tình hình và các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương.

2. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa trên tinh thần tự lực, tự cường, mạnh mẽ, chủ động hơn nữa, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường rà soát đối tượng để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, nhất là tiêm “vét” cho các đối tượng có nguy cơ cao.

3. Đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và các công trình khác); đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp; phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

4. Chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm; đẩy mạnh phát triển các ngành chế biến chế tạo, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

5. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, phục vụ đắc lực phát triển công nghiệp.

6. Tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài. Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải được các khó khăn, thách thức của địa phương, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển. Việc đầu tư phải xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

7. Tập trung chuyển đổi số mạnh hơn, xây dựng xã hội số, công dân số, có cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.

8. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; tăng cường dịch vụ công trực tuyến.

9. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

10. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

III. KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị bố trí đủ 50% vốn ngân sách Trung ương trong năm 2023-2024 để Tỉnh hoàn thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương của Dự án đường Cao tốc Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024:

Sau khi các cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Tỉnh để tập trung hoàn thành Dự án trong giai đoạn 2023-2024.

2. Về đầu tư phần tuyến còn lại của tuyến đường cao tốc Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn cả cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn trong năm 2023-2024:

Đồng ý chủ trương tỉnh Bình Dương chủ động thực hiện đầu tư đoạn còn lại của tuyến cao tốc Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương) từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn chỉ đạo.

3. Về hỗ trợ Tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải tỏa triển khai Dự án Cao tốc Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh:

[...]