VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 81/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VỀ
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2016 CỦA CHÍNH
PHỦ VÀ CÁC CÔNG VIỆC THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Ngày 21 tháng 4 năm 2016, tại trụ sở
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ
trì cuộc họp về tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01
năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước
năm 2016 (Nghị quyết số 01), tình hình triển khai công việc thuộc lĩnh vực quản
lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua và một số nhiệm
vụ trọng tâm thời gian tới. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại
diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tư pháp,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc
gia, Văn phòng Chính phủ và tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ
chốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư báo cáo, ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và
các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có
chức năng tham mưu tổng hợp của Đảng, Nhà nước về chiến lược, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành kế hoạch và đầu tư đã có nhiều đóng góp
quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế
theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chính phủ nhiệt
liệt biểu dương những kết quả, thành tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và toàn
Ngành đã đạt được thời gian qua; mong muốn và tin tưởng ngành kế hoạch và đầu
tư tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt còn hạn chế, hoàn
thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi đối với
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thiên tai, hạn
hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa
phương, nhất là tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và
đồng bằng sông Cửu Long gây nhiều thiệt hại đối với sản xuất và đời sống sinh
hoạt của nhân dân. Kết thúc Quý I năm 2016, nền kinh tế nước
ta đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức to lớn: kinh tế quý I năm 2016
tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, trong đó lĩnh vực nông nghiệp
tăng trưởng âm, sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ nhất là sản xuất
chế biến, chế tạo; lạm phát đang có dấu hiệu tăng lên; cân đối ngân sách nhà nước,
huy động vốn cho đầu tư, nhất là đầu tư công hạn chế; xuất khẩu tăng trưởng chậm
lại; đời sống nhân dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn còn nhiều
khó khăn...
Trước tình hình trên, Chính phủ cần kịp
thời có các giải pháp phù hợp, đồng bộ, quyết liệt để nỗ lực
phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được
Trung ương, Quốc hội xác định. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu
tư tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Nắm chắc diễn biến tình hình
kinh tế trong nước và thế giới; đánh giá toàn diện, thẳng thắn, nhất là những hạn
chế, tồn tại và nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,
trên cơ sở tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, bám sát thực tiễn với tinh thần,
tư duy đổi mới, tham mưu, đề xuất những giải pháp hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những năm tiếp theo đã được Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ XII, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xác định.
2. Tổng hợp, báo cáo đề xuất Chính
phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2016 những giải pháp trọng tâm trước mắt
để khắc phục hạn chế, tồn tại trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Quý I
năm 2016, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ Quý II năm 2016 (sử dụng ngân
sách tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, có các giải pháp thu hút đầu
tư tư nhân, thúc đẩy xuất khẩu, tìm nguồn bổ sung cho đầu tư để đẩy nhanh tiến
độ thi công của một số dự án cấp bách, cần thiết...), phấn đấu thực hiện thành
công những mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2016 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là đối với kiểm soát lạm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
3. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với
Đảng, Nhà nước các giải pháp hoàn thiện thể chế, mô hình tăng trưởng, tạo môi
trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, xóa bỏ các rào cản đối với đổi mới, cải
cách, huy động mọi nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành pháp luật về đầu tư công. Thực hiện nghiêm chủ trương và pháp luật
về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công. Kịp thời rà soát, xử lý những
khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; đề xuất các giải
pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ:
Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính và các địa phương liên quan rà soát lại
các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở
lên để xác định chính xác tổng mức đầu tư cần thiết, bảo đảm đầu tư dự án tiết
kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
6. Quản lý chặt chẽ chi tiêu công
theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục
tình trạng đấu thầu hình thức. Phối hợp thẩm định, giám sát chặt chẽ việc bán
tài sản công, định giá giá trị doanh nghiệp có lợi thế về đất đai, thương hiệu,
không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
7. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
của quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản
xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy vai trò là động lực
phát triển kinh tế đất nước. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; ưu tiên những
dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tạo điều
kiện thuận lợi khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
8. Sớm hoàn thiện Luật Quy hoạch,
trình Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
liên kết phát triển kinh tế vùng, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
9. Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đúng thời hạn quy định.
10. Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch
đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư công, các
quyết nghị, quyết định của Chính phủ, quyết định, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch tài
chính trung hạn 2016-2020, báo cáo Chính phủ trong tháng 5 năm 2016,
11. Rà soát, đánh giá chủ trương,
chính sách và tình hình triển khai thực hiện các dự án BOT, PPP; trên cơ sở đó,
tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để thu hút tối đa nguồn vốn đầu
tư của xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân
sách nhà nước vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
12. Phối hợp với cơ quan liên
quan đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp để: thực hiện có hiệu quả chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường quản lý hệ thống phân phối bán lẻ
trong nước, trong đó cần lưu ý có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp trong nước
tham gia lĩnh vực này.
13. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo Chính phủ trong tháng 7 năm 2016.
14. Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan trong Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và các cơ quan, địa phương liên quan để
thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả những nhiệm vụ, giải
pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
đã được Chính phủ giao. Hoàn thiện phương án nhân sự, nội dung và cơ chế hoạt động
của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm
2016.
15. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ
và tổ chức bộ máy của Bộ cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó lưu ý bảo đảm
yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo và phản ứng chính sách, quan tâm
hơn đến nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế tập thể và
hợp tác xã, thống kê. Các Vụ, Cục, Viện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sát thực
tiễn, đổi mới phương pháp làm việc, đề xuất xử lý kịp thời, khắc phục tình trạng
trì trệ, quan liêu, bao cấp còn rơi rớt xảy ra.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng;
- Các Bộ: KHĐT, TC, CT, TP,
KHCN, XD,NNPTNT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Giám sát Tài,
chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý
TTg, các Vụ: KTN, KGVX, QHQT, ĐMDN, PL, TKBT, TH; TGĐ Cổng
TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3). LT
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|