Thông báo 60/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 60/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/02/2023 |
Ngày có hiệu lực | 28/02/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023 |
Ngày 22 tháng 02 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (UB ANHK).
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các Thành viên Ủy ban và đại diện lãnh đạo: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, các Tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam, các Công ty cổ phần Hàng không: VietJet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có cảng hàng không, sân bay) có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo Phòng chống khủng bố, Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tham luận và ý kiến đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UB ANHK đã kết luận như sau:
Biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên UB ANHK, Ủy ban nhân dân các địa phương có cảng hàng không, sân bay, các doanh nghiệp hàng không đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2022, đặc biệt trong điều kiện toàn quốc tập trung khống chế, kiểm soát đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và thị trường hàng không. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho toàn bộ các chuyến bay đi và đến Việt Nam, hoạt động của các sân bay, cảng hàng không dân dụng và công trình, mục tiêu quan trọng của lĩnh vực hàng không dân dụng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để hàng không dân dụng Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
1. Một số vấn đề cần lưu ý trong tình hình hiện nay
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng đang đi đúng hướng, phù hợp với tình hình và thực tiễn của nước ta. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng bởi mỗi một sự cố, tai nạn hàng không đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, thu hút sự chú ý và có tác động rất lớn đến dư luận xã hội trong nước và quốc tế. Vấn đề an ninh, an toàn hàng không dân dụng hiện nay phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, nổi lên: (i) Tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến nhiều bất ổn, khó lường, (ii) Các cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế và khu vực Đông Nam Á có thể tấn công vào những hệ thống an ninh hàng không yếu kém, (iii) Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ có thể bị lợi dụng để xâm hại an ninh, an toàn hàng không với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng chức năng, (iv) Diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, (v) Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động hàng không dân dụng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa không thể diễn ra một sớm một chiều do nguồn lực có hạn và cần thời gian để chuẩn bị đầu tư.
Các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng cần chú trọng làm tốt tuyên truyền, mỗi hành khách đi tàu bay đều phải có ý thức tuân thủ nghiêm những quy định về an ninh, an toàn hàng không; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng chức năng trong bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; cán bộ chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn hàng không có trình độ nghiệp vụ, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp; các doanh nghiệp hàng không mặc dù vẫn gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng sau thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng tuyệt đối không được coi nhẹ chất lượng an ninh, an toàn hàng không; các cuộc diễn tập an ninh, an toàn hàng không phải thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn; lưu ý đến hoạt động tấn công, sự cố mạng về hoạt động hàng không dân dụng để chủ động ứng phó; đề cao công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
- Năm 2022, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ngành kinh tế đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, trong đó có vận tải hàng không nội địa.
- Ngành hàng không ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển nhanh chóng về giá trị tài sản, số lượng tàu bay, sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, đóng góp lớn cho bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
- UB ANHK đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình; kịp thời, sâu sát chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh hàng không, phòng chống khủng bố đối với hàng không dân dụng. Tình hình an ninh, an toàn hàng không được bảo đảm, không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại; hạn chế tối thiểu các vụ việc nghiêm trọng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không; không để xảy ra tai nạn, thiệt hại về người và tài sản.
- Công tác phối hợp bảo đảm an ninh hàng không giữa các Bộ, ngành, các Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố địa phương có cảng hàng không, sân bay đã được chú trọng; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật an ninh, an toàn hàng không và nâng cao văn hóa giao thông hàng không đã được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao.
- Công tác phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm an ninh, an toàn hàng không giữa các cơ quan chức năng đã được nâng cao, tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như: việc phối hợp xử lý, xác minh các vụ việc sử dụng giấy tờ giả; phối hợp xử lý việc sử dụng đèn laze, đèn chiếu công suất cao uy hiếp an toàn bay; những vướng mắc trong công tác phối hợp thực thi pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị của trung ương và địa phương trên địa bàn cảng hàng không sân bay.
- Việc rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn hàng không còn bất cập: như chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; công tác quản lý, xử lý việc sử dụng đèn laze, đèn chiếu công suất cao uy hiếp an toàn bay hàng không dân dụng....
- Hiện nay, cơ sở hạ tầng của một số sân bay đã có sự xuống cấp nhất định nhưng chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời do vướng mắc về thủ tục pháp lý, nguồn lực và cần thời gian để chuẩn bị đầu tư.
- Công tác diễn tập khẩn nguy hàng không cần được nghiên cứu đánh giá để tránh hình thức, nâng cao hơn nữa tính thực tiễn của kịch bản, năng lực phối hợp ứng phó của các lực lượng, an toàn, tiết kiệm kinh phí.
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao cần quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện cho hiệu quả để đạt được các mục tiêu đề ra là bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước. Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định về an ninh hàng không phù hợp quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, thực hiện xã hội hoá công tác tuyên truyền; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông hàng không cho toàn xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân; lấy xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực; Bộ Giao thông vận tải tổ chức tổng Kết việc thực hiện Đề án tuyên truyền pháp luật bảo đảm an ninh hàng không giai đoạn 2018 - 2020 ban hành theo Quyết định số 290/QĐ-BGTVT ngày 08/5/2018, đánh giá những mặt được, chưa được và đề xuất phương hướng triển khai tiếp theo.
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBANHK ngày 04/03/2016 của Chủ tịch UB ANHK về việc phòng, chống sử dụng đèn chiếu tia laze uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đèn chiếu tia laze, đèn công suất cao uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng.
- Bộ Công an chủ trì triển khai thực hiện Nghị định số 93/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không; phối hợp với các đơn vị ngành hàng không kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; phối hợp Bộ Quốc phòng thống nhất các nội dung vướng mắc để sớm trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP;
Chủ trì, hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ đưa Trung tâm kiểm soát không lưu (ATCC) Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận (AACC) Hồ Chí Minh thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vào Danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác và bảo vệ theo quy định của Nghị định số 39/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao năng lực bảo đảm An ninh hàng không trong tình hình mới; đề cao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về an ninh hàng không, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.