Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 566/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 566/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 566/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Ngày 27 tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng điều hành phiên họp toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Phước Thọ - nguyên Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh của 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, Đại sứ và đại diện Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện một số doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế.

Sau khi bay thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghe Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả của 4 phiên thảo luận chuyên đề trong ngày 26 tháng 9 năm 2017, ý kiến của đại diện các Ban, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Hội nghị đã nhận được sự quan tâm tham gia của gần 1000 đại biểu, trong đó có hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhiều lãnh đạo của các Ban, Bộ, ngành ở trung ương và lãnh đạo các địa phương, nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, chuyên gia trong và ngoài nước, thể hiện tầm quan trọng và tính cấp thiết của Hội nghị.

- Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị sâu sắc, khoa học và thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm của thế giới trong quy hoạch, quản lý, huy động nguồn lực để phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Chính phủ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, đồng thời tiếp tục kêu gọi các sáng kiến có giá trị giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hoạch định các định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, đặc biệt trong 30 năm đổi mới, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, trước hết là bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia như lúa gạo, thủy sản, trái cây,... tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chương trình, dự án tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hà Lan và một số định chế tài chính quốc tế lớn đã rất quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức: ảnh hưởng ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ảnh hưởng lớn từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn, trong đó có việc xây dựng các công trình thủy điện và chuyển nước sông Mê Công sang lưu vực khác; các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, suy giảm bùn cát và nguồn nước ngầm, xâm thực bờ biển, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhiều với diễn biến khó lường, mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng tràm, sụt lún đất, ô nhiễm môi trường; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là trong bối cảnh mới.

Những thách thức nêu trên đang ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, biện chứng để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá với phương châm “giữ đất, giữ nước, giữ người”, chuyển hóa các thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.

II. TẦM NHÌN, QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1. Tầm nhìn

Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa lớn chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp trọng tâm là công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn so với GDP bình quân đầu người cả nước.

2. Quan điểm phát triển

Hội nghị thống nhất các quan điểm lớn để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long là:

- Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là sự nghiệp của toàn dân, là lợi ích chung của đất nước, tiểu vùng sông Mê Công và cộng đồng quốc tế. Khuyến khích tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

- Kiến tạo, phát triển thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, biến thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long.

- Thay đổi tư duy phát triển: chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy chủ yếu là trồng lúa sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, chú trọng chất lượng, gắn bó chặt chẽ với chuỗi giá trị và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

- Tôn trọng quy luật tự nhiên, nhân rộng các mô hình phát triển thích ứng theo tự nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến tự nhiên; phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn theo phương châm chủ động sống chung với lũ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng, liên kết chặt chẽ với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng sông Mê Công.

III. CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

1. Chủ trương, định hướng chiến lược

a) Mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải lấy con người làm trung tâm, chú trọng về chất lượng, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như việc khai thác sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Phấn đấu đến năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội mà cần bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, môi trường sinh thái ở khu vực.

b) Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với Đồng bằng sông Cửu Long là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, cần chủ động sống chung và thích nghi, chuyển hóa thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển, coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên nước; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác; chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, vị trí địa chính trị của đồng bằng; tận dụng kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ mới, khắc phục nhân tai và ứng phó với thiên tai.

c) Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải đảm bảo sự hài hòa với điều kiện tự nhiên về đất, nước, đa dạng sinh học, văn hóa, con người, kế thừa các thành tựu, giá trị nhân văn, tri thức bản địa, phù hợp với quy luật tự nhiên, chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm phát huy lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp cận tổng thể tích hợp, chú trọng hợp tác, liên kết phát triển kinh tế xã hội, tạo lập liên kết phát triển giữa các địa phương, các tiểu vùng và toàn vùng, giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ, giữa Việt Nam với các nước, trước hết là các nước tiểu vùng sông Mê Công.

d) Mọi hoạt động đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long cần được điều phối thống nhất, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình hợp lý, trước mắt ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách “không hối tiếc”, công trình có tính chất động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, công trình thiết yếu bảo đảm an toàn và phục vụ đời sống Nhân dân, chú trọng thực hiện giải pháp phi công trình.

đ) Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Phát huy tiềm lực, tăng cường thực lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

[...]