Thông báo 180/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 180/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 04/04/2017 |
Ngày có hiệu lực | 04/04/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2017 |
Ngày 15 tháng 3 năm 2017, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố và các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; một số nhà khoa học, quản lý; lãnh đạo các Tổng công ty Lương thực: Miền Bắc, Miền Nam, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, người trồng lúa, các doanh nghiệp về những thành tựu đạt được trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo thời gian qua.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp luôn là nền tảng, một trụ đỡ của nền kinh tế, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sau 30 năm đổi mới, từ một quốc gia thiếu lương thực trầm trọng, đến nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo của nước ta đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về sản xuất ngành hàng lúa gạo, cây lúa từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, luôn đồng hành với người dân Việt Nam ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, điều kiện sản xuất tốt, đồng bằng sông Cửu long đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Những năm qua, diện tích, năng suất và sản lượng lúa gạo của Vùng liên tục tăng, chiếm xấp xỉ 57% sản lượng lúa gạo, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội.
2. Sản xuất lúa gạo nói chung và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn:
- Hiệu quả và giá trị gia tăng của ngành hàng lúa gạo thấp, tiêu tốn nhiều lao động, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước. Sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, cùng với thói quen lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí đầu vào, giá thành lúa gạo cao, giảm khả năng cạnh tranh, dẫn đến thu nhập của người trồng lúa thấp, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lợi nhuận chưa cao, kém ổn định.
- Khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam còn hạn chế, đã và đang bị thu hẹp thị trường ngay ở trong nước do chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, chưa có thương hiệu gạo mạnh, nổi tiếng, xuất khẩu chủ yếu dựa vào giá thấp, thị trường dễ tính; gạo Thái Lan, gạo Campuchia... đã vào thị trường Việt Nam.
- Một số cơ chế, chính sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích phát triển ngành lúa gạo; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Một số thủ tục hành chính đối với xuất khẩu gạo còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Sản xuất lúa gạo chịu nhiều thách thức về môi trường, cạnh tranh về nguồn nước; kỹ thuật canh tác cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều nước và vật tư nông nghiệp, phát thải nhiều khí nhà kính; biến đổi khí hậu, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động lớn đến sản xuất lúa gạo và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong Vùng.
- Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm cho diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp.
- Nhiều nước nhập khẩu gạo tăng cường hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để tiến tới tự túc được lương thực; đồng thời gia tăng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước; yêu cầu về tiêu chuẩn gạo ngày càng khắt khe hơn. Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, hướng tới xuất khẩu, dẫn đến cạnh tranh thị trường lúa gạo ngày càng gay gắt.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI
Nước ta có tiềm năng lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúa gạo có vai trò không thể thay thế của nông nghiệp Việt Nam và cây lúa vẫn sẽ là sinh kế quan trọng của đa số nông dân. Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trong thập kỷ tới, cần phấn đấu để lúa gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng và dược liệu. Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Cơ bản đồng ý với các nhiệm vụ, giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan đã đề ra. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất lúa theo hướng mở rộng hạn điền phù hợp, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người trồng lúa. Thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ liên kết sản xuất hợp tác với các doanh nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị. Từng bước giảm số lao động nông nghiệp, chuyển sang ngành nghề khác.
2. Rà soát quy hoạch sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng sử dụng linh hoạt đất trồng lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực, tình hình thị trường và biến đổi khí hậu; cho phép chuyển đổi linh hoạt những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả, vùng bị nhiễm mặn sang nuôi tôm, trồng các loại cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Cần tính toán nhu cầu trong nước, mức tăng trưởng hàng năm về nhu cầu của thế giới, khả năng vươn lên tự sản xuất của một số nước và khả năng vươn lên của gạo Việt Nam để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với từng giai đoạn.
3. Đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nghiên cứu sản xuất lúa gạo hướng tới đa mục tiêu, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng cơ giới hóa, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
5. Chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại phục vụ tưới tiêu, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng khác, hướng tới áp dụng cơ chế thị trường về giá nước trong sản xuất để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hơn.
6. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, duy trì phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo mới, tiềm năng. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và thương hiệu của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và thế giới. Cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Nghiên cứu, tiếp thu đề xuất, kiến nghị của các Bộ ngành, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp tại Hội nghị, Khẩn trương rà soát toàn diện thể chế, chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho ngành hàng lúa gạo phát triển.
b) Xác định các vùng trồng lúa có lợi thế nhất để điều chỉnh quy hoạch sản xuất cho từng vùng. Tăng cường việc chuyển đổi diện tích trồng lúa chất lượng thấp, kém hiệu quả, vùng nhiễm mặn sang trồng cây trồng khác phù hợp hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản.