Thông báo 494/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 494/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/11/2023
Ngày có hiệu lực 29/11/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 29 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) đã chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia trực tuyến với các địa phương để tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn phòng Chính phủ; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam và Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Tại các điểm cầu địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố.

Sau khi theo dõi Báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trình bày tham luận của đại diện một số Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia, địa phương tham dự cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất kết luận:

1. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể; sự tin tưởng, hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt ghi nhận, biểu dương các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tri ân sự hy sinh, đóng góp ý nghĩa, cao cả của các lực lượng, người dân tham gia phòng, chống dịch, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã đóng góp, hỗ trợ công sức, của cải vật chất cho công tác phòng, chống dịch; chia sẻ và gửi lời thăm hỏi sâu sắc đến các gia đình, thân nhân của người đã chết do dịch bệnh COVID-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go với đại dịch COVID-19.

2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, phù hợp, hiệu quả:

(1) Kịp thời thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo các cấp từ trung ương đến cơ sở và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến, yêu cầu phòng, chống dịch. Các Ban Chỉ đạo đã hoạt động quyết liệt, bám sát diễn biến tình hình, kịp thời đề ra và chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả ở quy mô quốc gia và từng khu vực, địa bàn.

(2) Quá trình triển khai đã từng bước rút kinh nghiệm, bám sát thực tiễn, để có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đúng, trong đó:

- Đã tiếp tục quán triệt tư tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, có cách tiếp cận toàn dân, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

- Công tác phòng, chống dịch đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời, toàn diện của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế.

- Có sự vào cuộc chủ động, tích cực, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.

(3) Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể hóa phương châm, đường lối của Đảng, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong từng giai đoạn và đạt được kết quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống dịch:

- Đã triển khai hiệu quả Chiến lược vắc xin với 3 thành tố quan trọng: Thiết lập Quỹ Vắc xin; thực hiện ngoại giao vắc xin; triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.

- Xác định phù hợp 3 trụ cột chống dịch trong từng thời điểm gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị. Từ tháng 7/2021 đã đề ra và sớm hoàn thiện công thức “5K + vắc xin + điều trị + xét nghiệm + công nghệ + ý thức của người dân +...” (các biện pháp khác) mà trọng điểm là vắc xin và ý thức của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực.

- Sâu sát, nắm chắc tình hình, khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin và tích lũy được các kinh nghiệm đã kịp thời chuyển đổi phù hợp trạng thái từ “Zê-rô COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.

- Đã xác định phù hợp lực lượng tuyến đầu là đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng quân đội, công an và có chính sách động viên lực lượng này tham gia phòng, chống dịch.

3. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc. Nước ta đã “đi sau về trước” trong công tác phòng, chống dịch; trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước từ 11 tháng 10 năm 2021 và mở cửa với quốc tế từ 15 tháng 3 năm 2022. Từ một nước tiếp cận sau về vắc xin, có tỉ lệ tiêm chủng thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia trên thế giới và là quốc gia duy nhất trong nhóm có dân số đông khoảng 100 triệu người đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất. Kết quả phòng, chống dịch tạo điều kiện quan trọng cho phục hồi và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục thể hiện mạnh mẽ tinh thần, bản lĩnh Việt Nam, càng khó khăn càng kiên cường, nỗ lực và giành thắng lợi.

Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, nhất là trong thời gian đầu; các quy định của pháp luật chưa bao quát được hết các tình huống khẩn cấp và nguy hiểm như đại dịch COVID-19; hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu khi xảy ra những tình huống bất thường, khẩn cấp; quản lý hành chính còn bất cập, một số nơi chưa thực hiện đúng quy định, hướng dẫn; công tác thông tin, truyền thông, áp dụng công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số thời điểm chưa được thực hiện tốt; các thế lực thù địch lợi dụng thời điểm khó khăn chống phá quyết liệt...

4. Thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 để những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu: (1) Công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, doanh nghiệp; phát huy đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc; nâng cao tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế nhưng tự lực, tự cường, tự chủ vẫn là yếu tố quyết định; (2) Phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn; sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả; (3) Năng lực của hệ thống y tế, trong đó y tế dự phòng, y tế cơ sở luôn ở mức cao hơn bình thường, khi chưa có dịch bệnh; triển khai phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Quan tâm đến an sinh xã hội, nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch gây ra; (5) Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; (6) Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng, trúng đối tượng.

5. Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới:

5.1. Các bộ ngành, địa phương: (1) Tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch COVID-19, và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch kể cả khi xảy ra tình huống xấu; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, nhất là về mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế; triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; (3) Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những đối tượng chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi, không để các cháu bị tổn thương về tinh thần và thiếu thốn về vật chất; (4) Các bộ ngành, địa phương theo thẩm quyền xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn hiệu lực; thông tin, hướng dẫn, thực hiện các văn bản theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; (5) Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; (6) Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 04 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; (7) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là đối với lực lượng tuyến đầu; (8) Quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị tiến tới làm chủ công nghiệp dược, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là khi quy mô dân số đã lên tới hơn 100 triệu người và già hóa nhanh chóng.

5.2. Bộ Y tế: (1) Chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương hoàn thành sớm hệ thống tài liệu, dữ liệu về quá trình phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về các bài học kinh nghiệm để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng và phát huy trong thực tiễn quản lý nhà nước và phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tới; (2) Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để tăng cường chủ động trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; (3) Tổng hợp, giải quyết các kiến nghị về phòng, chống dịch theo thẩm quyền, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

5.3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp rà soát, thống kê và xây dựng, triển khai các chính sách chăm lo đời sống trẻ em mồ côi chịu hậu quả, tác động của dịch COVID-19.

5.4. Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ xây dựng bộ phim tài liệu về phòng, chống dịch COVID-19 và những bài học kinh nghiệm lưu trữ lâu dài để tham khảo lãnh đạo chỉ đạo khi có các sự cố tương tự (hoàn thành trong Quý II năm 2024).

6. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ theo các quyết định đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong quá trình chống dịch.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ