Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng do Quốc hội ban hành

Số hiệu 99/2023/QH15
Ngày ban hành 24/06/2023
Ngày có hiệu lực 08/08/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 99/2023/QH15

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19; VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

a) Dịch COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chuyển hướng chiến lược với những quyết sách đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ và diễn biến của dịch. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm, chú trọng; đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 với những quyết sách mạnh mẽ và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc cách chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cả nước huy động nguồn lực và triển khai phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo xây dựng các văn bản cụ thể hóa và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, cả nước đã: (1) Huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng, trong đó đã huy động trên 11.600 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để mua, nhập khẩu, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19; mua và tiếp nhận 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó viện trợ, tài trợ gần 160 triệu liều, riêng viện trợ của Chính phủ các nước gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng; (2) Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; (3) Giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 50.000 tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng; (4) Hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; (5) Hàng triệu tình nguyện viên từ các tầng lớp Nhân dân được huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch; (6) Đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, các nước, các tổ chức quốc tế đã tham gia phòng, chống dịch và đóng góp dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ chưa thể thống kê đầy đủ, không lượng hóa được bằng tiền.

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực cơ bản được thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Hàng hóa viện trợ, tài trợ đã được phân bổ kịp thời cho các địa phương, đơn vị. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã được phân bổ, sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 87.000 tỷ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch 4.487 tỷ đồng; mua vắc-xin phòng COVID-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng; mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế 89 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mặc dù còn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm và hợp tác, chia sẻ với cộng đồng quốc tế thông qua việc ủng hộ tiền, hiện vật cho nhiều nước để phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác được thực hiện tích cực, qua đó đánh giá đúng ưu điểm để phát huy, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, cùng với sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả huy động, quản lý và sử dụng tổng hợp các nguồn lực cùng với thành công của ngoại giao vắc-xin, thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên cả nước đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định, giúp xoay chuyển tình thế, kiểm soát thành công dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các nước, các tổ chức quốc tế, sự đóng góp công sức to lớn của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên và minh chứng để mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở.

b) Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, hạn chế là: Việc ban hành văn bản để cụ thể hóa một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa thống nhất dẫn đến bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Việc sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Một số nơi chưa kịp thời chi trả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch và chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch. Sau khi kiểm soát được dịch, chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với nhiều tài sản, hàng hóa tài trợ chưa kịp thời. Các nguồn lực huy động từ Nhân dân và các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp chưa được theo dõi, đánh giá, tổng hợp đầy đủ. Kết quả thực hiện một số chính sách tài khóa, tiền tệ chưa đạt như dự kiến; việc triển khai các dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội còn chậm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch thiếu thống nhất, đồng bộ và còn lãng phí. Việc quản lý, điều động nhân lực, vật lực, tài lực có lúc chưa chủ động, hiệu quả chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19; nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự.

c) Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do dịch COVID-19 diễn biến quá nhanh và phức tạp nên việc chuẩn bị và thực hiện các giải pháp ứng phó rất khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số chính sách ban hành trong bối cảnh cấp bách nên chưa có thời gian đánh giá kỹ tác động, chưa bao quát, chậm cụ thể hóa. Việc triển khai, thực hiện một số văn bản còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương và địa phương còn có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Do phải tập trung phòng, chống dịch nên việc thống kê, tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, nắm số liệu về tình hình huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu tiêu chí thống nhất dẫn đến khó tổng hợp được số liệu chính xác, đồng bộ trong cả nước. Nhiều trường hợp tiếp nhận tài trợ thiếu hồ sơ, giấy tờ cho, tặng, thiếu cơ sở xác định giá trị hàng hóa, tài sản dẫn đến khó khăn trong xác lập sở hữu toàn dân và quản lý, sử dụng.

d) Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch. Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc chưa kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thanh toán, quyết toán, bàn giao tài sản, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ. Các địa phương trong một số trường hợp ban hành văn bản cụ thể hóa còn chậm, tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, chưa kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

2. Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng

a) Trong giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch COVID-19. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.

Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế (sau đây gọi là trạm y tế xã); 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trạm y tế quân dân y, các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang. Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện.

Hệ thống y tế dự phòng từng bước được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập nhiều trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Nhân lực làm công tác y tế dự phòng cơ bản được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đạt được nhiều thành tựu. Khoảng 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; nhiều dịch, bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi (HIV/AIDS, sốt xuất huyết, SARS…), duy trì thành quả thanh toán, loại trừ một số bệnh (bại liệt, uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết…), tiến tới loại trừ lao, phong, sốt rét, HIV/AIDS. Đã tự chủ sản xuất được 09/11 loại vắc-xin dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm ở mức dưới 20%, góp phần tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs). Công tác phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại cấp xã. Nhận thức và thực hành về phòng bệnh, nâng cao sức khỏe của mỗi người dân, gia đình và xã hội được nâng lên.

b) Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng còn một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất; chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và tính chất công việc, chưa bao phủ hết đối tượng. Trong giai đoạn 2018-2021, giảm 2.238 bác sỹ làm việc ở trạm y tế xã. Khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên; tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các tuyến trên toàn quốc giảm từ 19,8% năm 2017 xuống 14,6% năm 2022. Việc quản lý sức khỏe toàn dân tại tuyến xã chưa liên tục, dữ liệu chưa liên thông và đồng bộ. Mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao. Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới, nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng lớn. Còn vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều kiện về thuốc, thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao (chỉ có 38% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục thuốc và 27,6% trạm y tế xã thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn). Một số địa phương không đủ vắc-xin để thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng khi kết thúc Chương trình mục tiêu về y tế - dân số. Tỷ lệ chi cho y tế cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Năm 2022, tỷ lệ lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 75%, tỷ trọng chi đạt 34,5%, nhưng tại y tế xã chỉ là 1,7%. Cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin tại y tế cơ sở chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối hệ thống. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế về nội dung, phương thức và nguồn lực thực hiện.

Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng.

c) Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do: Nhận thức về vị trí, vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ, chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý chưa tạo điều kiện cho y tế cơ sở, y tế dự phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu, chưa tạo động lực để hoạt động và phát triển. Giai đoạn 2020-2022, hầu hết nguồn lực dành cho y tế cơ sở, y tế dự phòng phải chuyển sang cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cơ chế đãi ngộ chưa đủ sức thu hút và đảm bảo để nhân viên y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chưa thực hiện thường xuyên việc theo dõi, hướng dẫn, thống kê số liệu, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

[...]