Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông báo 457/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 457/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/10/2024
Ngày có hiệu lực 06/10/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Đầu tư

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 457/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2024; TÌNH HÌNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Ngày 05 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục Thống kê.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất như sau:

1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các dự thảo Báo cáo, tài liệu phục vụ cuộc họp đầy đủ, chất lượng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2024, bao gồm cả phụ lục kèm theo phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rỗ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm, đồng thời dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; trong đó lưu ý:

a) Nhấn mạnh và khẳng định những điểm sáng tích cực, hiệu quả đạt được trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, nhất là:

- Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục thể hiện xu hướng tích cực, phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; cơ bản đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 đã đề ra.

- Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các ngành công nghiệp, dịch vụ duy trì mức tăng trưởng tốt, trong đó sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh trong tháng 9. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Thu ngân sách nhà nước đạt mức cao. Thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

- Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội từng bước phục hồi qua từng quý với mức tăng 6,8% sau 09 tháng, trong đó ghi nhận mức tăng ở cả khu vực Nhà nước, khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Tập trung quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, với nhiều văn bản được ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 9 và 9 tháng năm 2024; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với nhiều kết quả quan trọng; lấy ngày 01 tháng 10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia.

- Hoàn thành dự thảo các văn kiện của Đại hội 14, các báo cáo, tài liệu trình Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 10 và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, như: (1) Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 - 2030; (2) Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2025; (3) Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025 - 2027...

- Xây dựng trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua đề án các công trình trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, danh mục các công trình hạ tầng kinh tế trọng điểm...

- An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt nhiều kết quả.

- Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3 đã được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; nhanh chóng thực hiện các giải pháp để ổn định cuộc sống Nhân dân và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau bão lũ, thiên tai. Trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thông tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau được phát huy; thể hiện thông qua việc Mặt trận Tô quốc Việt Nam vận động kêu gọi ủng hộ đến nay được khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

- Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phòng, chống tham nhũng tiêu cực được đẩy mạnh. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập tiếp tục được tăng cường; phục vụ hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là thúc đẩy hỗ trợ thực chất cho Lào, Cuba.

b) Phân tích, làm rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, trong đó có: (i) Công tác nắm tình hình, phản ứng chính sách trong thời gian qua rất kịp thời, hiệu quả, không chỉ được người dân đồng tình, ủng hộ mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; (ii) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới; xác định rõ nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, kết quả, sản phẩm cụ thể.

c) Làm rõ hơn một số khó khăn, hạn chế và những vấn đề cần lưu ý trong những tháng cuối năm, trong đó:

- Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp; căng thẳng chính trị, nước lớn, xung đột quân sự có nguy cơ leo thang và lan rộng; rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; giá dầu tiềm ẩn nguy cơ biến động mạnh...

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm sớm khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhất là chuẩn bị cho Tết nguyên đán.

- Tổng cầu trong nước còn yếu; vướng mắc của một số dự án năng lượng, bất động sản, bệnh viện cần tiếp tục được tháo gỡ; an ninh trật tự, nhất là tại một số địa phương có thể diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm...

- Thiệt hại do bão số 3 gây ra rất nặng nề, cần rà soát để tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ khắc phục hậu quả của bão.

d) Làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó:

- Kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo khí thế cho phát triển. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm và các chính sách vĩ mô khác. Phấn đấu tăng trưởng GDP Quý IV đạt khoảng 8% để cả năm tăng trưởng GDP đạt trên 7% theo đúng tinh thần đã được báo cáo tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...

- Triển khai quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, sớm khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công tại các địa phương, bộ, ngành, hoàn thành trước kỳ họp Quốc hội thứ 8. Thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo.

[...]