Thông báo 426/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 03 địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trong 9 tháng năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 426/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 20/10/2023 |
Ngày có hiệu lực | 20/10/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại,Trách nhiệm hình sự |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 426/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2023 |
Ngày 26 tháng 9 năm 2023, tại thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trong 9 tháng năm 2023. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và đại diện các Bộ: Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương trình bày báo cáo; ý kiến của các đại biểu dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng nâng cao tính kết nối giữa ba địa phương để thúc đẩy cùng nhau phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông và đạt được một số kết quả tích cực trong 9 tháng năm 2023 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước (4,24%), trong nhóm dẫn đầu cả nước (thành phố Hải Phòng tăng 10,08%, đứng thứ 3; Quảng Ninh tăng 9,88%, đứng thứ 4; Hải Dương tăng 7,01%, đứng thứ 20). Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, có sự phát triển; các chỉ tiêu về thương mại và du lịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thuộc nhóm những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước (thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của 03 địa phương đạt 4,702,93 tỷ USD, chiếm hơn 23% cả nước (trong đó, Hải Phòng thu hút được 3,5 tỷ USD, chiếm 17,3% đứng thứ nhất cả nước).
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính có chuyển biến mạnh mẽ, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả rất tích cực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp được đề cao. Thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: Công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và thi công một số dự án, công trình giao thông động lực, chiến lược còn chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 của Quảng Ninh và Hải Dương thấp dưới mức bình quân của cả nước. Tình hình tội phạm hình sự, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, buôn lậu, gian lận thương mại, tai nạn giao thông, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; việc ngăn chặn buôn bán ma túy qua biên giới còn nhiều bất cập.
II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để đạt được kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong những tháng cuối năm 2023, các địa phương tập trung những vấn đề sau đây:
1. Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng, vừa đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu hết năm 2023 giải ngân đạt trên 95%. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện để thu hút, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
2. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của địa phương. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, bền vững; khuyến khích thanh niên khởi nghiệp.
3. Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông kết nối, hạ tầng điện, cảng biển.
4. Tỉnh Hải Dương khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 10 năm 2023; đồng thời các địa phương phải tổ chức quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm. Quán triệt công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.
6. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng như: Xăng dầu, khoáng sản, hàng hóa đã qua sử dụng (điện, điện tử, điện lạnh, máy móc, thiết bị, ô tô)…
7. Thực hiện nghiêm Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Tập trung chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép xây dựng, chấp hành pháp luật xây dựng; về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho thuê có mật độ người ở đông, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh... có nguy cơ cháy, nổ cao.
III. KIẾN NGHỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
a) Về giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng: Bộ Quốc phòng khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 7186/VPCP-NN ngày 19 năm 9 năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
b) Về việc ban hành quy định tỷ lệ đất ở trong diện tích của dự án xây dựng nhà ở thương mại để đủ điều kiện triển khai dự án. Sửa đổi quy định các dự án xây dựng nhà ở thương mại không có đất ở trong trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp thì không được lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở:
Giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để quy định rõ các hình thức sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại.
c) Về sửa đổi quy định việc mở bán nhà hình thành trong tương lai phải có điều kiện hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án: Giao Bộ Xây dựng tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
d) Về việc hướng dẫn cụ thể cách tính giá bán nhà ở xã hội: Giao Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong tháng 10 năm 2023.
đ) Về ban hành quy định cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định lấn biển.
e) Về bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, với quy mô tiếp nhận (xuất - nhập) cỡ tàu đến 150.000 DWT: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.