Thông báo 240/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2023 và giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 240/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/06/2023
Ngày có hiệu lực 23/06/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ 19 TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC ỦY BAN VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG SXKD THỜI GIAN TỚI

Ngày 10 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) trực thuộc Ủy ban về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2023 và giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch và Tổng giám đốc 19 TĐ, TCT. Sau khi nghe các báo cáo của Ủy ban, Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

I. Đánh giá chung:

1. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, lạm phát còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục suy giảm; các nhiệm vụ thường xuyên gia tăng cùng với nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh nhiều hơn, bên cạnh việc phải tiếp tục xử lý nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm, đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ trong công tác điều hành; do đó, mục tiêu chung của Chính phủ là phải huy động tổng nguồn lực của đất nước để đối phó với khó khăn, thách thức, chủ động, thích ứng linh hoạt để phát triển, trong đó có nguồn lực quan trọng của 19 TĐ, TCT trực thuộc Ủy ban (chiếm 60% nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cả nước). Trên tinh thần đó, Thường trực Chính phủ đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo kịp thời của Ủy ban, 19 TĐ, TCT và các ý kiến đóng góp, đề xuất của các Bộ, cơ quan, các TĐ, TCT tại Buổi làm việc.

2. Cơ bản tán thành Báo cáo của Ủy ban với các kết quả hoạt động của các TĐ, TCT 5 tháng đầu năm khá tích cực: Tổng doanh thu đạt hơn 531,2 ngàn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ; tổng nộp NSNN đạt 71,7 ngàn tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm và tăng 1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 32,2 ngàn tỷ, đạt 55% kế hoạch năm, có 6/19 TĐ, TCT có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ; qua đó, góp phần tích cực vào thành tích chung của cả nước trong thu ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thay mặt Chính phủ, Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các TĐ, TCT đã nỗ lực cố gắng; các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực nêu trên.

3. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế tồn tại. Các doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết dư địa và năng lực của mình để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Một số vấn đề vẫn là điểm yếu của các TĐ, TCT:

a) Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT chưa thực sự gắn kết với Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đề án tái cơ cấu nền kinh tế và đến nay vẫn chưa được phê duyệt; chưa chú trọng tham gia vào 03 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và 03 đột phá chiến lược (kết cấu hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, bao gồm cả đổi mới sáng tạo); chưa có TĐ, TCT nào thực hiện được vai trò đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng vai trò làm nền tảng, có tính dẫn dắt, tạo động lực.

b) Tái cơ cấu nguồn lực các TĐ, TCT chưa đáp ứng được yêu cầu về: quản trị theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; nguồn nhân lực (nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu); ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để giữ vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

II. Mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

1. Về mục tiêu, yêu cầu chung đối với Ủy ban và 19 TĐ, TCT:

a) Mục tiêu của Đảng đề ra đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để đạt được các mục tiêu trên, phải tìm hướng đi đột phá trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các TĐ, TCT nhà nước. Sau cuộc họp này, thời gian tới, Ủy ban và các TĐ, TCT phải có sự tăng tốc, bứt phá, không thể tiếp tục chậm chạp như trong thời gian chống dịch Covid vừa qua, bám sát, tập trung tham gia mạnh mẽ vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và 3 đột phá chiến lược của Chính phủ. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa cho đầu tư của các TĐ, TCT trong lúc khó khăn này để góp phần tăng trưởng cho nên kinh tế. Trách nhiệm nghiên cứu đầu tư là trách nhiệm chính trị của Lãnh đạo TĐ, TCT.

b) Ủy ban và các TĐ, TCT phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 06 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác liên quan để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong khả năng của mình, tập trung đầu tư phát triển, từ đó, tạo công ăn việc làm, sinh kế người dân, thực hiện an sinh xã hội bền vững; đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần ổn định định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; từng doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của mình để cụ thể hóa nhiệm vụ cho phù hợp.

c) Tập trung tái cơ cấu nguồn lực của TĐ, TCT. Đẩy mạnh hoạt động đầu tư của các TĐ, TCT nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực dẫn dắt hoạt động đầu tư của tư nhân; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để giải phóng nguồn lực đầu tư 260.000 tỷ đồng năm 2023 của các TĐ, TCT kết hợp hiệu quả với nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, góp phần vào phát triển kinh tế chung của đất nước.

d) Nâng cao quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường phân cấp phân quyền ngay trong doanh nghiệp.

đ) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong những ngành, lĩnh vực then chốt, nhất là trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, đầu tư chip bán dẫn, hydrogen..., nghiên cứu đầu tư vào ngành mũi nhọn; nếu trước mắt không làm ngay được thì nghiên cứu liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài để làm.

e) Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải coi nhân lực là yếu tố then chốt cho sự thành công. Trước hết, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban và DNNN phải trở thành những tấm gương, gương mẫu, năng động, trăn trở với công cuộc đổi mới, vượt qua mọi rào cản, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để vươn lên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới. Các đồng chí đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

g) Bảo đản tuân thủ quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình, đề cao luật pháp, tôn trọng và vận dụng phù hợp với tình hình nhưng không lợi dụng để trục lợi, tham nhũng, tham ô và phải tuân thủ pháp luật.

2. Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể đối với Ủy ban và 19 TĐ, TCT:

a) Đối với Ủy ban: cần tích cực, chủ động, quyết liệt, kịp thời hơn, làm đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu để xử lý hiệu quả, kịp thời các công việc, nhiệm vụ liên quan tới 19 TĐ, TCT, nhất là các nhiệm vụ về đầu tư phát triển, trong đó:

- Hoàn thành phê duyệt trong tháng 7 năm 2023, không được chậm trễ hơn, Chiến lược đầu tư phát triển 5 năm và sản xuất kinh doanh 5 năm của các TĐ, TCT trực thuộc (bao gồm các TĐ, TCT thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), bám sát trọng tâm nhiệm vụ 5 năm, kế hoạch 10 năm của đất nước, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm phù hợp và phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của đất nước và chiến lược của các ngành, lĩnh vực liên quan.

- Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 30 tháng 6 năm 2023. Hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TĐ, TCT giai đoạn 2021- 2025 (bao gồm cả các TĐ, TCT thuộc thần quyền của Thủ tướng Chính phủ) trong tháng 7 năm 2023, không được chậm trễ hơn.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất về việc nâng cao vai trò của SCIC, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023.

- Chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (CTCP) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để xử lý theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29 tháng 9 năm 2022 về phương án chuyển nhượng Skypec từ VNA về PVN để hỗ trợ tái cơ cấu VNA và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu; trường hợp phát sinh nội dung vượt thẩm quyền, tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15 tháng 7 năm 2023.

- Khẩn trương xây dựng, trình Phương án xử lý đối với 3/12 Dự án yếu kém còn lại (Tisco 2, Thép Việt Trung, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) (trong đó đối với DQS nghiên cứu hướng xử lý như kinh nghiệm xử lý Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2)).

- Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao về nội dung chuyển giao chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô môn III và IV từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về PVN trong tháng 6 năm 2023 theo các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số 84/TB-VPCP ngày 03 tháng 6 năm 2023 và số 1989/VPCP-CN ngày 14 tháng 6 năm 2023.

- Rà soát kiến nghị của các TĐ, TCT để xử lý theo thẩm quyền; chủ động cùng các TĐ, TCT phối hợp, làm việc với các các bộ, cơ quan để phấn đấu xử lý dứt điểm, đúng thời hạn các kiến nghị của TĐ, TCT theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao (Phụ lục kèm theo). Trong năm 2023, định kỳ hàng Quý (ngày 25 tháng cuối Quý), tổng hợp tình hình xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các TĐ, TCT theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp định kỳ tháng cuối Quý (qua Văn phòng Chính phủ, theo hình thức tài liệu gửi, không trình bày).

[...]