Thông báo 389/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 389/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/11/2012 |
Ngày có hiệu lực | 28/11/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Viết Muôn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 389/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2012 |
Ngày 14 tháng 11 năm 2012 tại Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2015. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo, ý kiến tham gia của các Bộ và Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:
1. Về tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội năm 2012
Thời gian qua, mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái và có nhiều biến động, kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhưng Thành phố vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Tăng trưởng kinh tế của Thành phố tuy thấp hơn dự báo và thấp hơn mức tăng trưởng của các năm trước nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn cả năm ước đạt 8,1%, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng vẫn có tăng trưởng, hoạt động du lịch được duy trì và phát triển, tổng lượng khách lưu trú ở khu vực Hà Nội tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 5,3% so với năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 222.500 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn Thành phố năm 2012 ước đạt 128.000 tỷ đồng, bằng 87,5% so với dự toán Hội đồng nhân dân giao và bằng 99,6% so với năm 2011.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả khá, duy trì việc làm, ổn định thu nhập và đời sống của người lao động, đa số doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ.
2. Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Giai đoạn trước năm 2010, Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chậm, đặc biệt là công tác cổ phần hóa. Thành phố cần phân tích tìm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
- Trong thời gian tới, Thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn công tác sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công thuận lợi nhất; từng bước huy động và khai thác tốt hơn tiềm năng trên địa bàn; cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia những dự án và những công trình theo hình thức xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế của Thành phố; sớm có giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ.
- Đối với phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ vào Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015:
+ Tập trung rà soát lại các doanh nghiệp nhà nước hiện có, phân loại doanh nghiệp theo nhóm Nhà nước giữ 100% vốn, loại doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối tuyệt đối, loại không cần chi phối hoặc không cần thiết nắm giữ cổ phần.
+ Về tiến độ thực hiện nên chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến 2015 và giai đoạn sau 2015 đến 2020, trên cơ sở đó Thành phố chủ động tổ chức thực hiện tùy theo tình hình thị trường và điều kiện thực tế của Thành phố.
+ Đối với một số doanh nghiệp đặc thù như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trước mắt chưa cổ phần hóa. Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động cho phù hợp với đặc thù của loại hình các doanh nghiệp này.
+ Đối với 05 Xí nghiệp môi trường đô thị thuộc các quận, huyện thì xem xét chuyển về Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị của Thành phố cho phù hợp với ngành nghề và thực hiện sắp xếp theo đúng quy định hiện hành.
- Theo định hướng trên, Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thiện Phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến 2020 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2012.
3. Về một số kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Về đề nghị được giữ lại số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính lập phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện thống nhất và có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |