Thông báo 374/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc lần thứ hai Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 374/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/10/2019
Ngày có hiệu lực 23/10/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 374/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP LẦN THỨ HAI BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH

Ngày 15 tháng 10 năm 2019 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đã chủ trì Cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU); cùng dự có đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong thời gian qua, các bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, nhất là tập trung vào các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). Công tác phối hợp giữa các Bộ, Ban, Ngành và địa phương được nâng cao; công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại địa phương được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống khai thác IUU được đẩy mạnh...

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc đề ra thực hiện chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực chưa được khắc phục, một số tỉnh tiếp tục để tàu cá địa phương vi phạm, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa đạt theo quy định...

II. CÁC NHIỆM VỤ, CÔNG VIỆC TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tháo gỡ “thẻ vàng” ngay trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương:

1. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển tập trung triển khai các nhiệm vụ, công việc chuẩn bị đã được giao tại Thông báo số 235/TB-VPCP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ để đón tiếp và làm việc đạt hiệu quả với Đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam vào đầu tháng 11 năm 2019, cụ thể:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ: Công Thương, Ngoại giao chủ động theo dõi, nắm thông tin kịp thời chương trình, kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra của EC tại Việt Nam để chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chuẩn bị đón tiếp và làm việc đạt kết quả tốt.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lãnh đạo Chính phủ tiếp Đoàn thanh tra của EC.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trên cơ sở Kế hoạch tổng thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đón tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC khẩn trương xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết, bố trí các điều kiện cần thiết để tiếp đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC kiểm tra tại địa phương theo yêu cầu.

2. Về kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

- Bộ Quốc phòng tập trung triển khai các lực lượng kiên quyết ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

- Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, đảm bảo việc chấp hành các quyết định xử phạt của người dân.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm. Các địa phương, nhất là các địa phương có tàu cá vi phạm, rà soát, xử lý ngay các tồn tại, đề cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan khi thực hiện công tác kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

3. Về triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm đảm bảo đúng lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định.

4. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ động tổ chức các đoàn các công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU hình thức khen thưởng phù hợp đối với các trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tổng hợp, báo cáo các trường hợp thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao làm chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến công tác gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, đề xuất hình thức xử lý thích hợp.

+ Kịp thời đề xuất lãnh đạo Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tổ chức các cuộc họp, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều phối các Bộ, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục các khuyến nghị của EC.

- Các Bộ, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lực lượng chức năng trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giáo, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện tại cơ sở, có hình thức xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ không đạt yêu cầu để chấn chỉnh.

5. Về công tác thông tin, tuyên truyền

- Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài tăng cường thời lượng, chất lượng thông tin tuyên truyền liên quan đến hoạt động chống khai thác IUU của Việt Nam, trong đó tập trung vào các thông tin tích cực, các trường hợp, kết quả điển hình, tiêu biểu.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Thông tin Truyền thông, các cơ quan thông tấn - báo chí để tổ chức tuyên truyền, giải thích cho ngư dân, người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Kịp thời phát hiện và đấu tranh với các thông tin không chính xác.

6. Về nhiệm vụ lâu dài, để phát triển ngành thủy sản bền vững, yêu cầu Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương ven biển tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản. Trong đó, quy hoạch, xác định rõ nguồn lợi thủy - hải sản để tổ chức khai thác hợp lý; từ đó kế hoạch hoá đầu tư, phát triển hạ tầng; khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản.

[...]