Thông báo 371/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu | 371/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 18/10/2019 |
Ngày có hiệu lực | 18/10/2019 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 371/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2019 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK LẮK
Ngày 15 tháng 9 năm 2019 tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019; chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cùng dự với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua. 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,86% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2019 đạt 9,33% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản (từ 39,9% năm 2018 xuống còn 34,44% trong 9 tháng đầu năm 2019); tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ (từ 42,2% năm 2018 lên 45,04% trong 9 tháng đầu năm 2019). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2018, vượt kế hoạch và cao hơn mức bình quân cả nước.
Đắk Lắk là tỉnh có số lượng Hợp tác xã đứng đầu khu vực Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng cao. So với giai đoạn 2003 - 2013 lợi nhuận bình quân hợp tác xã năm 2018 tăng 183%; số lượng các tổ hợp tác tăng mạnh, tỷ lệ huy động thành viên cao, đặc biệt là số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao, đạt trên 70% (trung bình cả nước trên 50%). Có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, đóng góp bình quân đạt khoảng 13% vào GRDP của tỉnh (trung bình cả nước khoảng 5%).
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được làm bài bản, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 28,3% (Kế hoạch năm 2019 là 32,3%). Mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bắt đầu được triển khai thí điểm.
Mặc dù là tỉnh có số lượng công ty nông lâm trường lớn nhất cả nước, nhưng công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp ở Đắk Lắk được chỉ đạo quyết liệt và triển khai tốt, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu chung của cả nước.
Về phát triển doanh nghiệp: Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 toàn tỉnh có 5.473 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 23/63; tốc độ tăng trưởng cao, năm 2018 đạt 7,3%, đứng thứ 37/63, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến thời điểm này đã đạt 16% (trung bình cả nước đạt 14%).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ: Trong 8 tháng đầu năm, ngành du lịch đón khoảng 746.000 lượt khách, đạt 78,53% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 716 tỷ đồng, đạt 68,2% kế hoạch. Đắk Lắk là tỉnh đứng đầu trong 10 tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2018 - 2019, là một trong 4 tỉnh của cả nước có thí sinh tham dự chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2019. Công tác an sinh xã hội, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai đồng bộ, kịp thời, thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng lên, nhưng chưa có sự thay đổi nhiều về thứ hạng.
Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức: tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn xảy ra và có nhiều diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp diễn, mưa lũ kéo dài gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng tới sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, các mặt hàng chủ lực của tỉnh vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, cơ sở hạ tầng bất cập, nhất là các tuyến quốc lộ kết nối Đắk Lắk với các khu vực khác.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với Báo cáo của Tỉnh và phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới; lưu ý một số trọng tâm công tác sau:
1. Tập trung triển khai và hoàn thành công tác lập quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch; sớm triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Rà soát, tập trung mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019 theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
3. Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm Vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010 - 2020), Đắk Lắk trở thành địa bàn “chiến lược của chiến lược”, thủ phủ của khu vực Tây Nguyên. Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, Tỉnh có thể đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển Đắk Lắk, trong đó có thành phố Buôn Ma Thuật trở thành trung tâm khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn tới.
4. Tiếp tục thực hiện các mô hình kinh tế Hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện Đề án “Phát triển 15.000 Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”. Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.
5. Kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất đai, lập phương án sử dụng đất. Phát triển các công ty nông lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế chặt phá, lấn chiếm rừng, lấn chiếm đất đai. Hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc, miền núi.
6. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
1. Về bố trí đủ vốn trung hạn và vốn 10% dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2020: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp vào phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của Chương trình năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Về nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo đa chiều... thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, nghiên cứu báo cáo tại Hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
3. Về tăng mức hỗ trợ, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về hướng xử lý, giải quyết vấn đề nợ đọng của các hợp tác xã ngừng hoạt động không có khả năng trả nợ: Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
5. Về đề xuất xem xét sửa đổi Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2013 theo hướng cho phép kéo dài thời gian giải thể trên 18 tháng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện giải thể: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Tỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 172/2013/NĐ-CP.
6. Về đề xuất có chính sách về quản lý, sử dụng, chuyển đổi rừng, đất rừng phù hợp; cho phép các công ty lâm nghiệp, Công ty TNHH hai thành viên được phép chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng các cây trồng phù hợp: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai và các quy định hiện hành có liên quan.