Thông báo 336/TB-VPCP năm 2018 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP và Quyết định 461/QĐ-TTg về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 336/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/09/2018
Ngày có hiệu lực 04/09/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Doanh nghiệp

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 336/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 98/2018/NĐ-CP VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 461/QĐ-TTG VỀ PHÁT TRIỂN 15.000 HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ VÀ LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

Ngày 18 tháng 8 năm 2018, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Hội nghị). Cùng chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; thành viên Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đại diện các Bộ, cơ quan và một số liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan; tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, sở, ban, ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ nông sản.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam báo cáo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ, Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị và tham mưu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 01 năm 2016 của Quốc hội.

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013; Luật Hợp tác xã năm 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 01 năm 2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 đưa ra chỉ tiêu phấn đấu để đạt 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 gồm các nội dung: Duy trì, nâng cao chất lượng 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đã hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Trong số 6.400 hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả phải có 5.400 hợp tác xã chuyển lên có hiệu quả. Thành lập mới 5.200 hợp tác xã nông nghiệp phải hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu có trên 50 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đây là chủ trương, giải pháp hết sức quan trọng để phát triển hợp tác xã, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, mặc dù còn khó khăn, nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 5,6% GDP) đến nay kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là hợp tác xã đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhất là việc thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, với kết quả đánh giá xếp loại hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trong năm 2017 có trên 46% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là tiền đề để phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Nhiều hợp tác xã đã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, có chuyển biến về quy mô, công nghệ, năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững hoạt động có hiệu quả. Nhiều hợp tác xã hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của hợp tác xã còn yếu kém, thu nhập của hợp tác xã và thành viên thấp, dẫn đến người dân không tích cực tham gia vào hợp tác xã. Quy mô hợp tác xã chưa phù hợp, vẫn còn tồn tại nhiều hợp tác xã đông thành viên, chủ yếu hoạt động dịch vụ đầu vào do liên kết lỏng lẻo nên vai trò của các hợp tác xã đối với thành viên rất hạn chế. Số hợp tác xã tham gia liên kết ít, tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng chưa cao dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, không tạo được vùng nguyên liệu để cung cấp nông sản ổn định cho doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Cơ bản đồng ý với nội dung nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã hiệu quả, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

1. Nâng cao nhận thức về sự cần thiết thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã, quán triệt chủ trương phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất và thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp để giúp cho người nông dân hạn chế rủi ro, phát huy vai trò của kinh tế hộ, tăng cường liên kết nông dân trong hợp tác xã với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà khoa học. Các ngành, các cấp hỗ trợ về cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, đặc biệt cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đối với việc phát triển hợp tác xã, lưu ý khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý và hành chính gò ép và thành lập hợp tác xã hoạt động không có hiệu quả, phải chú ý đến chất lượng các hợp tác xã, kiên quyết không chạy theo thành tích xây dựng nông thôn mới mà thành lập các hợp tác xã không chất lượng; hỗ trợ để các hợp tác xã thực hiện tốt việc cung ứng các dịch vụ, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, lấy hiệu quả của từng thành viên nông dân là thước đo hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.

2. Hoàn thiện thể chế pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020:

a) Tiếp tục xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu kém để đạt tiêu chí có hiệu quả, trong năm 2018 phải hoàn thành giải thể hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động lâu ngày;

b) Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; thành lập mới và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương và gắn với sản phẩm đặc trưng làng, xã theo lợi thế của các vùng miền;

c) Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phát triển, trong khi chưa sửa đổi Luật Hợp tác xã, khẩn trương triển khai các Nghị định (số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018, số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018, số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 sửa đổi, bổ sung-Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP; xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, sớm hoàn thành sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và một số Chương trình, Đề án như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP), Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, Đề án xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản ở vùng miền núi khó khăn. Những văn bản pháp lý này là cơ sở để tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và liên kết theo chuỗi giá trị.

3. Tổ chức thực hiện: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến của các Bộ, cơ quan địa phương tại Hội nghị, hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Chính phủ; xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch ưu tiên đến 2020 với các nội dung: Kế hoạch phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp; đề án nâng cao năng lực sản xuất, quản lý hợp tác xã nông nghiệp thông qua các hình thức đào tạo nghề ở nước ngoài bằng nguồn vốn xã hội hóa; tổ chức lại, tái cơ cấu các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; thành lập và tổ chức hoạt động của định chế tài chính. Trong quá trình thực hiện, có báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc tăng cường liên kết để phát triển cả thị trường trong nước và xuất khẩu; 07 hình thức liên kết đều phải gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

4. Về nguồn lực, huy động các nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước theo các chương trình quốc gia, dự án hỗ trợ, huy động các nguồn lực khác, trong đó quan trọng là nguồn vốn tín dụng để hợp tác xã vay vốn hoạt động. Về tài sản thế chấp xác lập các tài sản hình thành qua các dự án đầu tư và các tài sản khác của hợp tác xã cũng là tài sản được đem thế chấp vay vốn. Các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bố trí để thực hiện bảo lãnh cho hợp tác xã vay vốn; huy động các ngân hàng thương mại đầu tư tăng vốn cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bố trí, cân đối các nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố căn cứ các nội dung được giao trong Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định 461/QĐ-TTg để chỉ đạo và triển khai thực hiện; rà soát để điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết, đề án, kế hoạch của địa phương đã ban hành phù hợp và thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án 15.000 hợp tác xã; từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện; bổ sung nguồn lực, nhất là lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, địa phương và các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Đẩy mạnh phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp để đề ra mục tiêu phù hợp. Mục tiêu không chỉ gia tăng giá trị, thu nhập của hợp tác xã mà mục đích cuối cùng là nhằm gia tăng giá trị và thu nhập của từng hộ thành viên nông dân; quan tâm bố trí địa điểm để hợp tác xã xây dựng trụ sở và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện để hợp tác xã hoạt động và là điều kiện để thế chấp vay vốn cho hợp tác xã; quan tâm đến các tổ hợp tác để hỗ trợ phát triển lên thành lập hợp tác xã, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá để có những điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời.

6. Về công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước chung về hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp, có thể ủy thác một số nhiệm vụ cho Liên minh Hợp tác xã nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là phải phát huy vai trò là tổ chức đại diện của hợp tác xã tránh chồng chéo, không thống nhất trong việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương. Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo, tổng kết mô hình. Tạo điều kiện để giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thường xuyên tổ chức tôn vinh các hợp tác xã, doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế hợp tác và liên kết.

7. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ hợp tác xã nông nghiệp là vấn đề quyết định đến sự phát triển hợp tác xã: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tăng cường phối hợp các địa phương để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục tăng cường hỗ trợ và đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã, thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ cho lao động hợp tác xã tại nước ngoài.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: NNPTNT, KHĐT, TC, CT, NV, KHCN, TNMT, UBDT, Ngân hàng Nhà nước VN;
- Thành viên BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX
- Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Kinh tế TW;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Liên Minh HTX Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục KTHT (Bộ NNPTNT), Cục HTX (Bộ KH&ĐT);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, KGVX, CN, TH, QHĐP; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (2b). Hg

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ