Kế hoạch 6390/KH-BNN-KTHT năm 2018 về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6390/KH-BNN-KTHT
Ngày ban hành 17/08/2018
Ngày có hiệu lực 17/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6390/KH-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP GIỮA HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP VỚI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp” gồm những nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRONG NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY

Đến hết năm 2017, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với khoảng 579,3 nghìn ha (trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa 516,9 nghìn ha và một số loại cây trồng khác). Việc tổ chức liên kết được thực hiện hầu hết là do các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng liên kết sản xuất với các HTX, tổ hợp tác, trang trại và trực tiếp với hộ nông dân theo thỏa thuận giá cả tại thời điểm thu mua.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản sự liên kết chủ yếu là trực tiếp giữa hộ nông dân với doanh nghiệp. Các HTX nông nghiệp tham gia vào sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Việc tổ chức liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế, trung bình tăng khoảng 17-25% so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống. Mặt khác, quá trình liên kết giúp nhiều HTX củng cố hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động.

Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết còn nhiều bất cập: Quy mô liên kết còn rất hạn chế (diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm 3,9% so với tổng số diện tích cây trồng). Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là giữa hộ nông dân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp: số HTX tham gia liên kết ít, tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng thấp dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, không tạo được vùng nguyên liệu để cung cấp nông sản ổn định cho doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Tình trạng bẻ kèo, tranh chấp trong mua bán giữa người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ chưa chấm dứt. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi, nhiều ngành hàng năng lực của các tổ chức nông dân, nòng cốt là các HTX còn có nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều lĩnh vực ngành hàng chưa tập hợp được người sản xuất vào các tổ hợp tác, HTX, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức này thiếu minh bạch chưa tạo được sự tin cậy đối với các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển các HTX làm nòng cốt trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu.

a) Mục tiêu chung

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó, hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết số 32/NQ-QH14 của Quốc hội khóa 14 ngày 22/11/2016.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Xây dựng trên 30 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho các ngành hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, chè, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản... theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn để củng cố, phát triển HTX theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

- Tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn các mặt hàng chủ lực của địa phương để hỗ trợ phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, bảo đảm thành lập mới và huy động trên 50% các HTX nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản.

- Cả nước củng cố và xây dựng mới từ 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trở lên là đại diện sở hữu sản phẩm OCOP của các địa phương.

- Trên phạm vi cả nước, số các hợp tác xã nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt1 đạt tỷ lệ từ 90% trở lên.

2. Nội dung.

a) Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm dựa trên liên kết doanh nghiệp, tổng công ty với hợp tác xã.

- Số lượng mô hình thí điểm liên kết: Khoảng 30 mô hình trở lên

- Sản phẩm và địa bàn thí điểm: Là những địa phương có vùng nguyên liệu thuộc nhóm các mặt hàng nông sản chủ lực.

- Nội dung thí điểm:

+ Xây dựng và triển khai thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tùy theo điều kiện cụ thể liên kết để xác định các nội dung hợp tác, liên kết như: Liên kết trong cung ứng vật tư, giống, vốn, phân bón; đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến hệ thống tưới, tiêu...; liên kết tiêu thụ sản phẩm.

+ Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp hợp tác xã tham gia thí điểm.

+ Xây dựng mới hoặc hỗ trợ củng cố nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã tham gia các chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

+ Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn (GAP) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia thí điểm mô hình liên kết.

+ Hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

[...]