Thông báo 312/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 312/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 30/09/2022 |
Ngày có hiệu lực | 30/09/2022 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Thương mại |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 312/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2022 |
Ngày 05 tháng 8 năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì Phiên họp lần thứ tám của Ủy ban 1899. Sau khi nghe Cơ quan thường trực của Ủy ban 1899 và Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến của các thành viên Ủy ban, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận như sau:
Đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành đã kết nối với gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp; riêng năm 2021 đã hoàn thành triển khai chính thức 36 thủ tục và 6 tháng đầu năm 2022 là 6 thủ tục. Theo báo cáo bảng xếp hạng trong ASEAN, có những lĩnh vực chúng ta đã vượt hàng đầu, đến nay đã kết nối toàn bộ 9 nước ASEAN trong các thủ tục, cơ chế một cửa. Đó là những kết quả rất đáng biểu dương, khen ngợi.
Bên cạnh những nỗ lực cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chưa có đủ tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra; đã áp dụng quản lý rủi ro nhưng không hiệu quả; chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chưa áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết, không thống nhất, còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; Kiểm tra nhiều nhưng phát hiện kết quả rất thấp; chi phí kiểm tra chuyên ngành cao.
1. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, quyết liệt đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020 (Quyết định 1254) và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 (Quyết định 1258).
b) Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia và Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định, bảo đảm tạo thuận lợi thương mại và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
d) Phối hợp với Bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, trong đó, rà soát các Luật quản lý chuyên ngành để đề xuất cấp thẩm quyền, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.
đ) Chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội Logistics Việt Nam về việc các đơn vị phải bảo lãnh thông quan khi thực hiện hệ thống quá cảnh ASEAN (ACTS) theo đúng quy định pháp luật.
2. Các Bộ, ngành, cơ quan:
a) Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg, trong đó:
- Hoàn thành kế hoạch triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
- Rà soát tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, đối với các trường hợp đề xuất loại bỏ, tạm dừng, lùi tiến độ triển khai, báo cáo rõ lý do và gửi về Cơ quan thường trực để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
- Rà soát các thủ tục hành chính đã triển khai theo Cơ chế một cửa quốc gia nhưng phát sinh ít hồ sơ hoặc không phát sinh hồ sơ đăng ký qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm theo quy định của pháp luật chuyên ngành đồng thời đề xuất nội dung liên quan đến thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và gửi báo cáo về Cơ quan thường trực.
- Tiếp tục hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS đang được các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung; khẩn trương triển khai việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS chưa được triển khai theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc, bất cập về chính sách, chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành theo rà soát của Cơ quan Thường trực để báo cáo kết quả thực hiện, gửi Cơ quan Thường trực trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.
b) Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2021 về việc phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, trong đó, rà soát các Luật quản lý chuyên ngành để đề xuất cấp thẩm quyền, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg;
c) Khẩn trương lập Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistic và tạo thuận lợi thương mại gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistic và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026.
d) Phối hợp với Bộ Tài chính để chủ động xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt liên quan đến triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại và phát triển dịch vụ logistic; đưa vào kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ, ngành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
đ) Tổ chức giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc và trực thuộc; đo lường thời gian giải quyết thủ tục hành chính và công khai kết quả giám sát, đo lường lên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
e) Chủ động tổ chức các hoạt động đối thoại thường niên để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho thương mại và vận chuyển xuyên biên giới.
g) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối trong việc thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là việc triển khai các cam kết về phối hợp quản lý biên giới, áp dụng quản lý rủi ro trong công tác nghiệp vụ có liên quan của các bộ, ngành, cũng như cung cấp thông tin kịp thời về các chế độ chính sách mới ban hành/sửa đổi liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng việc thực thi đầy đủ Điều 1.2 Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về công bố thông tin trên mạng Internet.
h) Thực hiện đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn báo cáo phục vụ các Phiên họp của Ủy ban 1899 để Cơ quan thường trực kịp thời tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng tham gia ý kiến tại các Phiên họp của Ủy ban 1899. Bộ Công Thương chủ động chuẩn bị báo cáo về nhiệm vụ phát triển logistics, đồng thời chủ động gửi nội dung liên quan đến logistics về Cơ quan thường trực sau các phiên họp của Ủy ban 1899 để hoàn thiện dự thảo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban 1899.