Thông báo 304/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 304/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/09/2022
Ngày có hiệu lực 26/09/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 304/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN LẦN THỨ 2 BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 17 tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (Ban Chỉ đạo) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Phó Trưởng Ban thường trực; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Phó Trưởng Ban và lãnh đạo các Bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo: Xây dựng, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), các cơ quan, Ban Quản lý dự án, Tư vấn và một số nhà thầu; tại điểm cầu các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau) có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các Sở, ngành liên quan và đại diện các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu.

Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo) báo cáo tổng hợp tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, ý kiến thảo luận của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo và phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận như sau:

I. Đánh giá chung

1. Thực tiễn đã chứng minh “đường đến đâu văn minh đến đấy” và các địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt đều có tốc độ tăng trưởng GRDP rất nhanh; thời gian vừa qua các trung tâm kinh tế lớn (thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) có mức tăng trưởng chưa tương xứng do hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, thường xuyên ùn tắc giao thông, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường (ô nhiễm môi trường, lãng phí nhiêu liệu, hao mòn phương tiện và mất nhiều thời gian di chuyển...)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược. Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khâu yếu nhất hiện nay vẫn là khâu tổ chức triển khai thực hiện và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Do vậy, vai trò của Ban Chỉ đạo là hết sức cần thiết nhằm chỉ đạo, kiểm tra, điều phối và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ, mục tiêu được giao và đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.

2. Để đạt được mục tiêu Đảng, Nhà nước đã đề ra, khối lượng công việc trong thời gian tới cần phải thực hiện là vô cùng lớn. Nếu không thay đổi cách nghĩ, tư duy, phương pháp luận thì sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Với tinh thần: “tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước”: Yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các công việc; coi khó khăn vướng mắc của địa phương, của bộ ngành như chính vướng mắc của đơn vị mình để giải quyết triệt để; các bộ ngành cần chủ động trực tiếp làm việc, hướng dẫn, trao đổi các địa phương để tháo gỡ các khó khăn; các cơ quan, đơn vị nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ, giảm tối đa thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của người đảng viên, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, khi giao việc phải xác định rõ thời gian, thời hạn hoàn thành từng công việc và trách nhiệm từng cá nhân; phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp, nút thắt, điểm nghẽn, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.

3. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các Bộ, cơ quan từ phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo đến nay; trong đó Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức Lễ phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 04 dự án”, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo phong trào thi đua, thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án.

Các bộ, ngành, địa phương, các Ban QLDA, đơn vị tư vấn, nhà thầu tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tổng kết những cách làm hay, các điển hình tiên tiến để nhân rộng, phổ biến tạo thành phong trào thi đua sâu rộng phục vụ quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm; các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra giám sát theo chức năng nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, lãng phí và xử nghiêm sai phạm (nếu có).

II. Các nhiệm vụ, công việc triển khai trong thời gian tới

1. Về các dự án đường bộ cao tốc

a) Yêu cầu Bộ GTVT và các Ban QLDA, các nhà thầu tập trung triển khai thi công 04 dự án (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra ngày 8/9/2022.

b) Các địa phương và Bộ GTVT đẩy nhanh các thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt TKKT, lựa chọn nhà thầu...); triển khai giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để khởi công theo đúng tiến độ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022.

c) Các địa phương và Bộ GTVT được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), trong đó:

- Khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thống nhất chỉ đạo công tác triển khai, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện bảo đảm hoàn thành đúng các mốc tiến độ theo yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ;

- Khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn triển khai đồng thời các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định phê duyệt dự án... bảo đảm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023.

d) Dự án Bến Lức - Long Thành:

- Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 5808/VPCP-KTTH ngày 06/9/2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC: khẩn trương triển khai thi công lại, đưa dự án vào khai thác chậm nhất Quý III năm 2025.

- Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn VEC hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

đ) Bộ GTVT đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư để bảo đảm mục tiêu nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

2. Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm đúng tiến độ Chính phủ giao tại các Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, trong đó lưu ý công tác giải phóng mặt bằng: cần huy động hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động người dân trong công tác giải phóng mặt bằng trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và nhà nước, không để khiếu kiện, khiếu nại ảnh hưởng việc thực hiện dự án.

3. Các dự án đường sắt đô thị:

a) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà thầu khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc, sớm đưa vào vận hành khai thác các dự án (đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2022 và dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Thành - Suối Tiên trong năm 2023).

b) Các bộ, ngành hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 13/9/2022.

4. Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

a) Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các bên liên quan tập trung triển khai các công việc bảo đảm khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay vào cuối năm 2022. Đặc biệt lưu ý công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lựa chọn được các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm; tuyệt đối không được thông thầu, chuyển nhượng thầu sai quy định...

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ