Thông báo 280/TB-VPCP năm 2018 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 280/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/08/2018 |
Ngày có hiệu lực | 07/08/2018 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 280/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2018 |
Ngày 25 tháng 7 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
Việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cần thiết và cấp bách, nhằm định hướng cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có tính kết nối cao với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng khác, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, vùng kinh tế và của cả nước.
Bộ Giao thông vận tải đã tích cực tổ chức thực hiện việc lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất điều chỉnh Quy hoạch tương đối đầy đủ, chi tiết, đảm bảo tính khả thi cao khi được phê duyệt.
Tuy nhiên, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch cần được phân định theo các giai đoạn quy hoạch cho phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật về quy hoạch; cần bổ sung nội dung thống kê, phân tích đầy đủ các số liệu là dữ liệu cần thiết cho việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch; đồng thời, đề xuất cụ thể các giải pháp tháo gỡ các nút thắt đã ảnh hưởng và gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa tại các khu vực miền Bắc, miền Nam.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nội dung công việc sau:
1. Đối với đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa
a) Xây dựng điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cho các giai đoạn đến 2030 gồm từ nay đến 2020, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn sau năm 2030; trong đó, xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện trong từng giai đoạn (bao gồm cả các dự án ưu tiên thực hiện), chú ý kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa với phát triển dịch vụ du lịch; riêng giai đoạn sau năm 2030 chỉ đề xuất các nội dung có tính định hướng thực hiện việc nâng cấp các tuyến luồng, hệ thống cảng, bến thủy nội địa...đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải trên đường thủy nội địa;
b) Tính toán kỹ lưỡng về năng lực vận tải đường thủy nội địa của khu vực phía Nam, xác định cụ thể lưu lượng hàng hóa được vận chuyển trên đường thủy nội địa trong số hàng hóa đã được đưa vào, rời các cảng biển trong khu vực;
c) Trên cơ sở rà soát, bổ sung các nội dung nêu trên, hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Đối với đề xuất tháo gỡ các nút thắt, cản trở hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa: Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý, trong đó tính toán hiệu quả của phương án tháo gỡ các nút thắt, gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa của các khu vực miền Bắc, miền Nam; đề xuất phương án đầu tư, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |