Thông báo số 278/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/12/2007 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 278/TB-VPCP
Ngày ban hành 31/12/2007
Ngày có hiệu lực 31/12/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 278/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, NGÀY 13/12/2007

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, trở ngại, đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt cao nhất trong 10 năm vừa qua (tăng 12,6%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu; kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển... đều có mức tăng khá cao; lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao có tiến bộ; công tác xóa đói giảm nghèo vẫn là điểm sáng của cả nước; chương trình mục tiêu 3 giảm (tội phạm, ma túy, mại dâm) đạt được kết quả tốt; công tác cải cách hành chính có tiến bộ; an ninh quốc phòng được bảo đảm, trật tự trị an ổn định. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm kinh tế-xã hội, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Vùng và cả nước.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần được quan tâm khắc phục là:

- Hạ tầng kinh tế-xã hội chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; đặc biệt, hạ tầng giao thông trong 2 năm qua đầu tư xây dựng rất chậm.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; công nghiệp là thế mạnh của Thành phố, nhưng gần đây có xu hướng phát triển chậm lại; chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét theo hướng công nghệ cao với các sản phẩm đặc thù, thế mạnh như công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, sản phẩm công nghệ cao,...; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm trên 52% GDP của Thành phố, nhưng thời gian qua chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là các loại dịch vụ cao cấp có giá trị gia tăng cao như: tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ cảng, bưu chính-viễn thông, bất động sản,...; các sàn giao dịch về sản phẩm: khoa học công nghệ, bất động sản, nhân lực lao động... phát triển chậm và còn chưa được quản lý tốt.

- Nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập.

- Công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng và đạt được kết quả bước đầu khích lệ, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp còn chậm, tình trạng trì trệ ở một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức của bộ máy hành chính còn là một lực cản lớn cho quá trình phát triển của Thành phố.

- Quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng theo yêu cầu của một đô thị lớn; quy hoạch triển khai chậm, đặc biệt còn tồn tại nhiều dự án treo; quy hoạch của Thành phố chưa gắn với quy hoạch Vùng; việc triển khai các dự án chưa đồng bộ với kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạo việc làm cho người lao động; việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp và chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông thiếu đồng bộ và còn mang tính chắp vá; ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG NĂM 2008:

1. Cơ bản đồng ý với các mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2008 của Thành phố. Với vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn: có vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế của Vùng và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần quán triệt và thực hiện thật tốt các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị; Thành phố cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, các tồn tại, yếu kém và nguyên nhân để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện.

Năm 2008 là năm bản lề có tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 của cả nước, với mục tiêu là phấn đấu năm 2008 hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm để đến năm 2009 hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tạo đà cho việc trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với tinh thần này, Thành phố cần xây dựng mục tiêu cho năm 2008 với quyết tâm cao để đạt tốc độ tăng trưởng từ 13 đến 13,5% trở lên. Phấn đấu cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào khoảng năm 2015.

2. Giải pháp:

a) Về quy hoạch: cần tiến hành bổ sung, cập nhật quy hoạch để xây dựng và định hướng mô hình phát triển trong từng giai đoạn cụ thể; công tác xây dựng quy hoạch phải gắn liền với cơ chế, chính sách, quy trình và giải pháp thực hiện. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch giao thông, trong đó tập trung có trọng tâm, trọng điểm thực hiện đúng tiến độ các dự án quan trọng trong quy hoạch.

b) Đẩy mạnh hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2010 Thành phố phải hình thành, phát triển các sàn giao dịch để phát triển các loại thị trường chứng khoán, thị trường giao dịch sản phẩm khoa học và công nghệ, thị trường sức lao động; đặc biệt là thị trường bất động sản theo tiêu chuẩn quốc tế.

c) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục xem đây là một khâu đột phá, trước hết tập trung vào các lĩnh vực hiện có nhiều vướng mắc như quy hoạch đất đai, cấp phép, thẩm định... Các vấn đề thuộc thẩm quyền Thành phố thì sửa ngay, các vấn đề vượt quá thẩm quyền thì khẩn trương kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.

d) Triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm;

đ) Tập trung chỉ đạo và thực hiện Đề án giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó, các vấn đề đã được pháp luật quy định cần nghiêm túc thực hiện, trường hợp pháp luật chưa quy định thì báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh Luật cho phù hợp.

e) Về lĩnh vực xã hội: cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và dạy nghề. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy...; quan tâm đến đời sống người lao động nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, giải quyết tốt tình trạng đình công, tuyên truyền việc chấp hành chính sách, pháp luật đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng luật, nhằm bảo đảm trật tự xã hội.

g) Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như: tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải sinh hoạt.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:

1. Về điều chỉnh quy hoạch giao thông: giao UBND Thành phố làm việc với Bộ Giao thông vận tải cùng các Bộ, ngành có liên quan tính toán cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

a) Quy hoạch giao thông đường bộ: đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch từ 4 vành đai xuống còn 3 vành đai theo hướng cắt giảm đoạn của vành đai số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn quận Tân Bình và quận Tân Phú về đến Đại lộ Nguyễn Văn Linh, hợp nhất vành đai số 1 và số 2 thành một tuyến. Giao Bộ Giao thông vận tải cùng Thành phố nghiên cứu, tính toán cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Điều chỉnh quy hoạch cảng và đường thủy:

- Đồng ý chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu phát triển năng lực của hệ thống cảng biển trên địa bàn Thành phố đến năm 2010 là 100 triệu tấn và đến năm 2020 là 200 triệu tấn.

- Đồng ý chủ trương hỗ trợ c��ng Ba Son, cụm cảng Sài Gòn khẩn trương di dời ra cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Khu đô thị cảng Hiệp Phước, thành phố Hồ Chí Minh. Giao các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Quốc phòng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4912/VPCP-CN ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ. Áp dụng cơ chế toàn bộ giá trị đất chuyển đổi mục đích sử dụng được ưu tiên dành cho các cảng thuộc diện phải di dời để xây dựng cơ sở mới phù hợp với quy hoạch, bảo đảm đời sống cho người lao động và nhanh chóng ổn định sản xuất tại địa điểm mới. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất của địa điểm cũ phải thực hiện theo quy định hiện hành.

c) Quy hoạch giao thông đường sắt: đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc theo kiến nghị của Thành phố. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

[...]