Quyết định 123/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW năm 2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng,an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 123/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/05/2006
Ngày có hiệu lực 24/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

         THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

********

                                          

Số: 123/2006/QĐ-TTg

              CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

 Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2006

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh
  và các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước,
  Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,
  Long An, Tiền Giang;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC, KTĐN,
   Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
   Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
   các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5). A.220

THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải     

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 53-NQ/TW NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ VÀ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5  năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ (viết tắt là ĐNB) và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (viết tắt là KTTĐ) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động để chỉ đạo và điều hành thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, làm căn cứ để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế định hướng các hoạt động của mình bảo đảm Vùng ĐNB và Vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đồng thời, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc với nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Mục tiêu cơ bản của Chương trình hành động của Chính phủ là tạo ra cơ sở thống nhất để phối hợp hành động giữa các cấp, các ngành  thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị, tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Vùng; đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển chung của cả nước trong điều kiện toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Mục tiêu chung

Tập trung đầu tư phát triển những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế so sánh của từng khu vực trong Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực, chủ yếu là nội lực; trước hết, là nguồn lực tại chỗ để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Vùng, tạo sự phát triển cân đối, hài hoà giữa các tỉnh trong Vùng và giữa các tiểu vùng trong mỗi địa phương để nhanh chóng đưa Vùng ĐNB và Vùng KTTĐ phía Nam trở thành Vùng động lực, đi đầu trong công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) của đất nước trên các lĩnh vực như công nghiệp, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không, thương mại, khoa học công nghệ, du lịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt văn hoá, xã hội phát triển vào loại tiêu biểu của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh, quốc phòng vững chắc; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và đặc biệt là khu vực phía Nam.

2. Các mục tiêu cụ thể

- GDP của Vùng năm 2010 đạt thấp nhất gấp 2,5 lần so với năm 2000 và năm 2020 ước gấp từ 2,3 đến 2,5 lần so với năm 2010.

- Giá trị xuất khẩu tăng gấp hơn 2 lần mức tăng GDP.

- Mức thu ngân sách tăng từ 16 - 18%/năm.

- Tỷ lệ lao động không có việc làm dưới 5%. Để đạt được những mục tiêu quan trọng đó cần tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu rộng.

- Tốc độ đổi mới công nghệ (phấn đấu bình quân mỗi năm đổi mới               20 - 25%).

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 50% vào năm 2010 và trên 70% vào năm 2020.

- Có biện pháp đồng bộ để xây dựng được cơ cấu kinh tế hiện đại, thu hút đầu tư trong 5 năm 2006 - 2010 gấp đôi giai đoạn 2001 - 2005.

Để đạt được những mục tiêu quan trọng đó cần tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu rộng về: chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách phát huy nội lực, thu hút đầu tư, tổ chức thực hiện, cải cách thủ thục hành chính, cải cách bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức... để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sản phẩm chủ yếu đã có; các Bộ, ngành, các địa phương trong Vùng ĐNB và Vùng KTTĐ phía Nam tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (trong đó, cần cụ thể hoá quy hoạch thành các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư) thuộc lĩnh vực quản lý theo chức năng của mình và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2006. Đồng thời, triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; trong đó, có bước đi đến năm 2010.

Yêu cầu đối với rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch là:

- Quán triệt và cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 53/NQ-TW; dựa trên Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các ngành, các địa phương và phù hợp với yêu cầu phát triển trong điều kiện mới.

[...]