Công văn số 239/UBND-THKH về phân công triển khai thực hiện Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 239/UBND-THKH |
Ngày ban hành | 12/01/2008 |
Ngày có hiệu lực | 12/01/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Hoàng Quân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 239/UBND-THKH |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 01 năm 2008 |
Kính gửi: |
- Thủ trưởng các sở - ban -
ngành thành phố; |
Ngày 31 tháng 12 năm 2007, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 278/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai thực hiện có kết quả các chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo này, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:
I. Phần II (Một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong năm 2008), mục 1 và mục 2: Uỷ ban nhân dân thành phố đã cụ thể hóa các nội dung này để đưa vào Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2008, Chương trình công tác năm 2008 (ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố), yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện khẩn trương tổ chức thực hiện. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, đánh giá mức độ hoàn thành của từng cơ quan, đơn vị; tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, chuẩn bị nội dung để Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức sơ kết thực hiện Kế hoạch chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm trong tháng 7 năm 2008 và tổng kết thực hiện Kế hoạch chỉ đạo, điều hành năm 2008 vào cuối tháng 12 năm 2008.
II. Phần III (Về một số đề nghị của thành phố), Uỷ ban nhân dân thành phố phân công như sau:
1. Mục 1 (về điều chỉnh quy hoạch giao thông): Giao sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, chủ động liên hệ với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ - ngành liên quan hoàn chỉnh kế hoạch để triển khai thực hiện.
2. Mục 2 (về quy hoạch, xây dựng, di dời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố): Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, chủ động liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Uỷ ban nhân dân thành phố trong tháng 01 năm 2008 trước khi triển khai thực hiện. Về phần cơ chế thực hiện, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất địa điểm phù hợp quy hoạch thành phố và xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố trước khi làm việc với các Bộ - ngành liên quan.
3. Mục 3 (về tổ chức triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020):
- Tiết (a): Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp Sở Tài chính, Sở Giao thông - Công chính đề xuất bố trí vốn lập dự án, trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định ngay trong tháng 01 năm 2008; đồng thời, dự thảo văn bản để Uỷ ban nhân dân thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục các dự án ưu tiên vận động vốn ODA kể từ tài khóa năm 2008.
- Tiết (b): Giao Sở Giao thông - Công chính chủ trì, theo dõi tiến độ thực hiện, báo cáo kịp thời cho Uỷ ban nhân dân thành phố.
- Tiết (c): Giao Sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng lập dự án và triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Liên Vùng phía Nam (bắt đầu từ nút giao đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và kết thúc tại thành phố Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), gồm cả cầu Bình Khánh qua sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh qua sông Lòng Tàu, đường vành đai 3 cũ (vành đai 2 mới) và cầu, đường qua Nhơn Trạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6883/VPCP-CN ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định khả năng tài trợ vốn ODA cho dự án, báo cáo, đề xuất kịp thời cho Uỷ ban nhân dân thành phố.
- Tiết (d): Giao Sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu, tính toán, xây dựng phương án cụ thể, trình Uỷ ban nhân dân thành phố trước khi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan.
- Tiết (e): Giao Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Tín chủ trì, trực tiếp chỉ đạo Sở Giao thông - Công chính trong việc triển khai quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo liên quan nội dung này của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
4. Mục 4: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, căn cứ yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, chuẩn bị các nội dung liên quan để Uỷ ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ (ban hành kèm Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ) về thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị định kỳ hàng năm.
5. Mục 5 (về phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng):
- Tiết (a): Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp tục nghiên cứu quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ và các văn bản có liên quan, đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ đối với từng trường hợp cụ thể (không đưa vào quy định chung).
- Tiết (b):
+ Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở - ngành liên quan nghiên cứu, nếu xét thấy cần thiết thì dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 126/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố về Ban hành Quy định về quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh, trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, thông qua chậm nhất vào giữa tháng 02 năm 2008. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các sở - ban - ngành, quận - huyện đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố danh mục các dự án trọng điểm về giao thông, chống ngập úng, tiêu thoát nước, sử dụng vốn ngân sách thành phố để kêu gọi đầu tư (BOT, BTO, BT); nghiên cứu nội dung Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp (phần I, mục C) để đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ định thầu đối với từng dự án cụ thể.
+ Đối với các dự án đầu tư (chỉnh trang khu đô thị cũ, xây dựng khu đô thị mới, phát triển hạ tầng giao thông...,) sử dụng vốn ngoài ngân sách: Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở - ngành liên quan, đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố các tiêu chí kêu gọi đầu tư; lập Hội đồng để chọn nhà đầu tư đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính, uy tín, kinh nghiệm triển khai thực hiện đầu tư. Căn cứ vào mục tiêu ngành, lĩnh vực), quy mô, loại - cấp công trình, từng dự án có một Hội đồng riêng; Hội đồng tự giải tán khi Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành quyết định đầu tư dự án.
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyền giao (sẽ được ban hành trong thời gian tới) để đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố phương án triển khai thực hiện.
+ Về điều chỉnh Điều 8, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở: Giao Sở Xây dựng theo dõi tình hình và nghiên cứu, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
6. Mục 6 (Về khắc phục tình trạng ngập úng, tăng năng lực tiêu thoát nước):
a) Tiết (a): Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông - Công chính, chủ động liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai xây dựng Đề án, đề xuất bố trí vốn xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, kiểm soát thủy triều tăng năng lực tiêu thoát nước và chống ngập cho thành phố và các tỉnh lân cận; báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 01 năm 2008.
b) Tiết (b): Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai, báo cáo kết quả cho Uỷ ban nhân dân thành phố.
7. Mục 7 (Về ô nhiễm môi trường, quản lý xây dựng, phòng chống thiên tai):
a) Tiết (a): Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên phạm vi địa giới hành chính thành phố theo Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo cụ thể của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải liên quan Đề án này.
b) Tiết (b): Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Công an thành phố (lực lượng cảnh sát môi trường) triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, nghiên cứu, tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
c) Tiết (c): Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Công chính và các thành viên Ban chỉ đạo Đề án nghiên cứu, khảo sát, xây dựng bản đồ địa chất thành phố chủ động liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng sớm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, xây dựng bản đồ địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng nhà cao tầng, công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố.