Thông báo 278/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 278/TB-VPCP
Ngày ban hành 05/08/2019
Ngày có hiệu lực 05/08/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020 VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2019 VÀ KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2019

Ngày 25 tháng 7 năm 2019 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã chủ trì cuộc họp về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo đồng ý với nội dung báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động, trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ đạt kết quả tích cực, nổi bật là:

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 văn bản; trình lãnh đạo các Bộ ban hành theo thẩm quyền 17 văn bản;

- Tổ chức thành công Lễ công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

- Tổ chức cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; viết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn dành cho các nhà báo ASEAN; tổ chức cho các phóng viên đi thực tế tại các địa phương về 10 năm xây dựng nông thôn mới;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động chuẩn bị Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chuẩn bị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; thực hiện quảng bá, thúc đẩy Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đạt kết quả tích cực;

- Các thành viên Ban Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch, phân bổ, thanh toán và giải ngân; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại các địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chậm triển khai hoặc chưa có kết quả cụ thể như: trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đánh giá việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều trẻ em; trình Đề án Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030.

3. Trong 6 tháng đầu năm 2019, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được kết quả như sau:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

- Cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 80/664 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh (11,6%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 16 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Như vậy, các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 Quốc hội và Chính phủ giao đã hoàn thành và về đích sớm 18 tháng so với kế hoạch;

- Có 30/36 địa phương ban hành văn bản cụ thể hóa các tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản; 762 thôn, bản vùng khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 43 địa phương ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 03 địa phương phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025 hoặc gắn với lợi thế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

- Nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới cơ bản được giải quyết;

- Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP): 51 tỉnh đã phê duyệt đề án; công nhận 265 sản phẩm OCOP, trong đó có 07 sản phẩm 5 sao; Bắc Kạn đã vận động thành lập Hội doanh nhân OCOP.

b) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

- Cả nước có 44/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã công nhận lên phường); hơn 60 xã và hơn 1.000 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kỹ năng thông tin tuyên truyền cho khoảng 600 lượt cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại các xã; hỗ trợ tivi cho 1.081 hộ nghèo và radio 3.602 hộ nghèo đồng bào dân tộc rất ít người, hộ gia đình chính sách.

- Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường: tiểu học 99,84%; trung học cơ sở 98,73%; phổ thông trung học 98,21%.

Có được kết quả nêu trên là do có sự chỉ đạo đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo đã hoạt động tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc địa bàn được phân công quản lý. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế như sau:

- Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương rất thấp, chỉ đạt 23%;

- Vẫn còn chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền: Đồng Bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%); một số tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường, thu nhập chưa bền vững; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; chênh lệch về giàu nghèo chưa được thu hẹp; nhiều xã, thôn chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn;

- Việc triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương của một số địa phương chưa đúng quy định của Luật đầu tư công và các văn bản liên quan;

- Kết quả giải quyết hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công gặp nhiều khó khăn và có khả năng không đạt mục tiêu giải quyết dứt điểm trong năm 2019;

- Tỷ lệ xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thấp;

[...]