Thông báo 27/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai công tác ngành Nội vụ năm 2012 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 27/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 30/01/2012 |
Ngày có hiệu lực | 30/01/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Vũ Đức Đam |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NGÀNH NỘI VỤ NĂM 2012 VÀ CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2020
Ngày 14 tháng 01 năm 2012, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chủ trì hội nghị triển khai công tác ngành Nội vụ năm 2012 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Thành phần tham dự hội nghị gồm có tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ các Bộ, ngành địa phương.
Sau khi nghe các báo cáo tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành Nội vụ và báo cáo những nội dung chủ yếu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, ý kiến của đại diện một số đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực và kết quả toàn diện của ngành Nội vụ trên các lĩnh vực: cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, hội - tổ chức phi chính phủ, công chức - viên chức, chính quyền địa phương, tôn giáo, thi đua - khen thưởng … Toàn ngành Nội vụ đã đóng góp phần quan trọng vào thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Hoàn thành việc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, tạo bước chuyển biến cơ bản ở các Bộ, ngành, địa phương, nhất là thủ tục hành chính được cải cách đáng kể; đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, tiếp tục thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thông suốt, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong năm qua, công tác của ngành Nội vụ còn bộc lộ một số hạn chế như trong báo cáo của Bộ đã nêu:
- Cải cách hành chính bao gồm cả thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính, tài chính công tuy đã đạt một số kết quả song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều thủ tục hành chính còn phức tạp, gây phiền phức cho người dân và doanh nghiệp; bộ máy còn trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng; bất hợp lý và chậm được điều chỉnh, khắc phục cả ở Trung ương và địa phương.
- Việc phân cấp giữa Trung ương - địa phương, đặc biệt là quy hoạch và quyết định đầu tư, tài chính, quản lý công chức, viên chức còn nhiều bất cập, thiếu kiểm tra, giám sát; mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đô thị, nông thôn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
- Quản lý nhà nước về công chức, công vụ chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, phiền hà trong quan hệ với người dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của một nền công vụ trong sạch, hiện đại và chuyên nghiệp. Chưa có cơ chế đủ hấp dẫn, thu hút nhân tài vào làm việc trong khu vực công vụ.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành Nội vụ cần tập trung trong năm 2012:
- Tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với 5 mục tiêu, 6 lĩnh vực và 7 giải pháp. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các đề án giao cho các Bộ, ngành nhất là các đề án liên quan: cải cách tổ chức bộ máy hành chính; công chức, công vụ; tiền lương, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Công việc giai đoạn tiếp tục khó khăn hơn nên phải nỗ lực, quyết tâm hơn mới không bị trùng xuống xây dựng, hướng dẫn thực hiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính; việc này cần triển khai sớm để nhân dân và doanh nghiệp cùng đánh giá và thể hiện sự hài lòng với cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước. Triển khai nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử, để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, trước mắt có nhiều việc phải làm, phân công cụ thể, làm triệt để và ráo riết.
- Quan tâm xây dựng hệ thống thể chế, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, trong đó có tham gia tổng kết Hiến pháp, xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 178/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và sửa đổi các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, sửa đổi Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Sớm xác định rõ mô hình và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, vừa tính đến đặc thù của mỗi địa phương, của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, không dập khuôn máy móc. Việc tổ chức cơ quan chuyên môn cấp huyện cần căn cứ vào yêu cầu quản lý, đáp ứng nhiệm vụ của địa phương, có hiệu quả nhất.
- Tổ chức chính quyền địa phương đã có bước tiến mới song. Song cần quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng tổ chức. Bộ Nội vụ cần tổng kết bước 2 triển khai thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần chú ý bảo đảm tự do tín ngưỡng, đúng quy định của pháp luật, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Việc phân cấp quản lý phải thiết lập theo hướng thẩm quyền đi liền với trách nhiệm; phân cấp trên cơ sở quy hoạch; vừa phát huy năng động của địa phương; vừa tăng cường kiểm tra, thanh tra của Trung ương bảo đảm quản lý thống nhất; trọng tâm là phân cấp về quản lý cán bộ, công chức và biên chế; khẩn trương trình Chính phủ đề án phân cấp quản lý biên chế.
- Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cần tập trung: kỷ luật, kỷ cương hành chính; xác định rõ vị trí việc làm, trên cơ sở đó xác định biên chế; đánh giá công chức, viên chức phải gắn với yêu cầu và kết quả công việc của từng vị trí việc làm; học tập nâng cao trình độ, chuyên môn; mở rộng áp dụng thi tuyển theo hướng chọn được công chức đủ năng lực, phẩm chất.
- Đề án cải cách tiền lương cần gắn với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.
- Về công tác thi đua - khen thưởng: cần làm tốt hơn nữa công tác thi đua, không khen thưởng tràn lan, khen thưởng phải gắn liền với kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
- Về công tác hội, tổ chức phi chính phủ: cần tích cực theo dõi việc thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để tiếp tục hoàn thiện; chú trọng thể chế và công tác quản lý các quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Xây dựng ngành Nội vụ trong sạch, làm việc có hiệu quả, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |