Thông báo 210/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 210/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/09/2011
Ngày có hiệu lực 08/09/2011
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 210/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 02 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế; dự Lễ khai giảng tại Trường Quốc học Huế; dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích Chín Hầm; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cầu Bạch Hổ. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Vũ Đức Đam Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), 8 tháng đầu năm 2011 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biểu dương và đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và những kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 12%/năm; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.150 USD; thu ngân sách tăng bình quân 25,3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%.

Trong 8 tháng đầu năm 2011: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.077,4 tỷ đồng, tăng 12,45%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 11.366,2 tỷ đồng, tăng 22,2%; xuất khẩu đạt 232,4 triệu USD, tăng 53,8%; thu ngân sách đạt 2.288,6 tỷ đồng, tăng 19,8%. Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ: Đình hoãn, giãn tiến độ 40 công trình, dự án; tiết kiệm 10% chi thường xuyên trên 35,2 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chú trọng: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp PTTH đạt 97,1%; giải quyết việc làm cho 9.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) còn 9,5%; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đã đề ra; Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 48/KL-TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011 và các năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

1. Năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ Tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), cần phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy; những tồn tại, khó khăn, xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; phấn đầu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, tạo không khí phấn khởi và niềm tin bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm tiếp theo.

2. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 02/2011/NQ-CP, Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

3. Chú trọng phát triển công nghệ cao trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa; thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X).

4. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng đô thị; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thành phố di sản.

5. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng, lợi thế của cố đô Huế để phát triển mạnh ngành du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức Festival Huế vào năm 2012 và năm du lịch Quốc gia.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về hỗ trợ vốn đầu tư các công trình, dự án: Hồ Tả Trạch; hồ Thủy Yên - Thủy Cam; đường La Sơn - Nam Đông giai đoạn II và đầu tư dự án quốc lộ 49A (đoạn Huế - Bình Điền): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán kỹ nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về dự án cầu Bạch Hổ qua sông Hương: Đồng ý tạm ứng tiếp vốn nhàn rỗi kho bạc Nhà nước 100 tỷ đồng để thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kế hoạch năm 2012 cho Tỉnh hoàn trả theo quy định.

3. Về việc đầu tư, nâng cấp quốc lộ 1 A (đoạn Phong Điền - Huế); mở rộng đoạn La Sơn - Lăng Cô; xây dựng hai hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia: Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý.

Đối với đầu tư đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (đoạn La Sơn - Túy Loan): Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập dự án và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Đồng ý về chủ trương điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Bộ giao thông vận tải rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư hợp lý, bảo đảm các hoạt động khai thác của Cảng không bị gián đoạn, theo hướng ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình liên quan đến an toàn bay sau khi quy hoạch điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Về cơ chế đặc thù đầu tư phát triển đô thị Huế, di tích Cố đô Huế để thực hiện Kết luận 48/KL-TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư (kể cả việc huy động vốn bằng hình thức trái phiếu chính quyền địa phương), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; số 11/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 về một số cơ chế chính sách đặc thù cho đô thị Huế (đô thị loại I); số 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020; số 143/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2007 phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố Huế thành thành phố Festival): các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể với Tỉnh để xem xét, xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về việc hỗ trợ vốn trùng tu di tích trong khu vực Đại Nội; chỉnh trang và phát triển đô thị Huế; các dự án cấp bách vùng đầm phá Tam Giang: Tỉnh rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, lựa chọn các công trình, dự án thực sự cấp bách và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào danh mục các dự án hỗ trợ có mục tiêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về việc phát triển Đại học Huế thành Đại học xuất sắc: Đồng ý về chủ trương, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý cụ thể.

8. Về thành lập Khu công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh tính toán, xác định quy mô, hiệu quả, trên cơ sở đó lập đề án và làm việc cụ thể với Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về việc đưa các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế; đê chắn sóng cảng Chân Mây vào danh mục các dự án vận động nguồn vốn ODA: Đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện từ năm 2012.

[...]