Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Chính phủ ban hành

Số hiệu 02/NQ-CP
Ngày ban hành 09/01/2011
Ngày có hiệu lực 09/01/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

Trong năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao chất lượng tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; do vậy trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng, đồng thuận và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.

Năm 2011 là năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020. Tình hình kinh tế thế giới năm 2011 dự báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đòi hỏi phải nắm bắt kịp thời các diễn biến tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, tăng cường chỉ đạo, điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII là: “Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu, bao gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7 – 7,5% so với năm 2010; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không tăng quá 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 5,3% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%, cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%; 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 69%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế được xử lý 82%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 83%; tỷ lệ che phủ rừng 40%.

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội: số 51/2010/QH12 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; số 52/2010/QH12 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và số 53/2010/QH12 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả các giải pháp chủ yếu sau đây:

Phần thứ nhất.

NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

I . TĂNG CƯỜNG ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM CÁC CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ

1. Kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan trong việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động ban hành hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý giá, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý cụ thể để thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết bằng đồng Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng đầu cơ nâng giá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định kiểm soát giá đối với những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá ở các Bộ, cơ quan, địa phương. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá.

c) Bộ Y tế, Bộ Công Thương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương áp dụng các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát và bảo đảm giá thuốc chữa bệnh, giá sữa ở mức hợp lý, bảo đảm hạn chế tối đa tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

d) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung – cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung – cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và thanh tra giá để kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các thời điểm mùa vụ hoặc thời gian có khả năng sốt giá như các dịp lễ, Tết, đầu năm, cuối năm, …. Xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về thương mại, thị trường.

- Đẩy mạnh phát triển thương mại cơ sở, nông thôn, hệ thống các chợ, hợp tác xã mua bán, cửa hàng và hộ bán lẻ. Xây dựng cơ chế, chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng để hình thành những kênh lưu thông hàng hóa ổn định, gắn với quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có biện pháp phù hợp nhằm phát huy tốt vai trò của các hội, hiệp hội người tiêu dùng. Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển thương mại điện tử.

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam đến năm 2020.

đ) Các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý và các dịch vụ giáo dục, y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, nước sạch, …, bảo đảm khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp kiểm soát phù hợp.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thích hợp để từng bước điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế kết hợp với chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường xã hội hóa nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ này.

e) Các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, lưu thông các mặt hàng này, đặc biệt là hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực, xăng dầu, thép, phân bón, xi măng, …

g) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo xây dựng, phát triển hệ thống kho chứa lương thực phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

h) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các chương trình thông tin, truyền thông tuyên truyền về cơ chế, chính sách, tình hình thực tế giá cả, thị trường để thực hiện chủ trương minh bạch thị trường, đáp ứng mục tiêu cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng thông tin thị trường, giá cả.

2. Kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán

a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Xác định các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng công tác kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, bến bãi vận tải, giao nhận, kho tập kết hàng hóa tại các cửa khẩu. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản phẩm xuất khẩu.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài; có các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thương vụ; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và củng cố, mở rộng hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại tại nước ngoài; tăng cường hoạt động quảng bá và bảo hộ thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ