Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 818/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 818/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/06/2010
Ngày có hiệu lực 07/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 818/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2011 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 105/TTg ngày 12 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020.

2. Quan điểm:

- Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, đồng thời góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tuân thủ công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa nhân loại;

- Di tích Cố đô Huế phải được bảo tồn trong quy hoạch tổng thể thống nhất; có phân cấp, phân loại những di sản cần bảo tồn theo đúng nguyên mẫu nhằm giữ nguyên giá trị lịch sử và giá trị văn hóa kiến trúc, nghệ thuật vốn có; những di sản cần được mô phỏng với các giải pháp tiên tiến, có thể sử dụng chất liệu truyền thống kết hợp hiện đại nhưng phải bảo đảm không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật vốn có của chúng. Chú trọng việc bảo quản thường xuyên di tích trước các mối đe dọa như phá hoại, mất mát, xâm lấn, thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng... Ưu tiên các chương trình và biện pháp chống xuống cấp gắn với trùng tu trên cơ sở khoa học; chỉ phục nguyên những di tích có giá trị đặc biệt khi đã có đủ những căn cứ khoa học;

- Quy hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa Cố đô Huế không tách khỏi việc bảo tồn những di tích văn hóa khác đã có và hiện còn như tháp Chăm, đền, đình, chùa, miếu… và những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến có liên quan;

- Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên trong quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế không tách rời cảnh quan kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của quần thể di tích Cố đô Huế;

- Các chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật của quần thể di tích Cố đô Huế phải được gắn liền với nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải thực hiện đồng thời, đồng bộ trên cả ba lĩnh vực là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa cảnh quan đô thị và thiên nhiên;

- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải gắn với tăng trưởng kinh tế, với phát triển du lịch văn hóa, tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà và phát huy mọi lợi thế, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững.

3. Mục tiêu của Đề án:

a) Mục tiêu dài hạn:

- Bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế;

- Phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, giá trị di sản văn hóa phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

b) Mục tiêu ngắn hạn:

- Xác định ranh giới, phạm vi và đối tượng nghiên cứu bảo tồn và khai thác;

- Lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích Cố đô Huế trong quy hoạch tổng thể thành phố Huế những năm trước mắt và lâu dài;

- Xác định nội dung đầu tư từng giai đoạn tu bổ kết hợp với tôn tạo và phát huy giá trị di tích cả về mặt văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Đề án:

a) Đối tượng nghiên cứu:

[...]