Thông báo 166/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 166/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/03/2017
Ngày có hiệu lực 29/03/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG QUÝ I VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC QUÝ II NĂM 2017

Ngày 16 tháng 3 năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2017. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các đồng chí là thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và nhiệm vụ quý II năm 2017; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I năm 2017. 03 tháng đầu năm 2017 là dịp cả nước đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu cùng nhiều lễ hội xuân, với mật độ phương tiện tăng cao, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương; hoạt động vận tải trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Đinh Dậu và lễ hội xuân 2017 được đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, công tác lập lại trật tự giao thông đô thị, trật tự lòng lề đường được các thành phố lớn triển khai quyết liệt, đồng bộ mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ và tạo mỹ quan đô thị. Đặc biệt biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 12 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 30% số người chết gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Cà Mau, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Long An, Lào Cai, Kiên Giang, Quảng Nam, Tây Ninh.

2. Một số hạn chế, tồn tại

Mặc dù, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong quý I năm 2017 tiếp tục được cải thiện; tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu tăng cao so với 7 ngày đầu dịp nghỉ Tết Bính Thân; đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 54 người, bị thương 86 người; xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong dư luận.

- Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.

- Tình trạng xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại một số địa bàn khai thác khoáng sản, công trường thi công.

- Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến đường có công trình thi công chiếm dụng lòng đường và những ngày thời tiết xấu.

Nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế:

- Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.

- Còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường bộ, đường sắt trái phép diễn ra tràn lan; còn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp qua đường sắt.

- Hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông, đặc biệt là một số lái xe tải, xe khách.

- Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là xe ô tô tải, xe hợp đồng; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn và sự cố giao thông.

- Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế.

- Kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa cao. Việc xử lý các tồn tại, yếu kém; đường ngang đường sắt, đường gom; việc phát huy đoàn thể, nhân dân; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; việc vận động phong trào nhân dân làm chủ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là đối với lực lượng tuổi trẻ trên địa bàn chưa tốt.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhằm mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%; giảm số vụ ùn tắc giao thông các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nhiệm vụ trong năm 2017 và các năm tiếp theo

- Khẩn trương hoàn thành, trình Quốc hội ban hành Luật đường sắt (sửa đổi); tổng kết và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật bảo hiểm... và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện; kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông cùng với các chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong trường phổ thông; đẩy mạnh truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp đồng thời xây dựng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật dân tộc để tuyên truyền về văn hóa giao thông.

- Đẩy nhanh tiến độ phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tái cấu trúc phát triển không gian: khẩn trương nghiên cứu, lập và triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, sớm trình xin chủ trương để lập và đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; Biên Hòa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh... gắn với điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và sử dụng đất của các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội nhằm nâng cao năng lực kết nối quốc gia và vùng, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm cho các đô thị trung bình (loại 1, loại 2) nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, giảm áp lực về giao thông, môi trường và an sinh xã hội.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và giảm giá thành vận tải hàng hóa của các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt; tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức nhằm thu hút nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giúp giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và vận tải công cộng khối lượng lớn theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt trong các đô thị; tổ chức các tuyến xe khách liên tỉnh hoạt động theo mô hình xe buýt với lộ trình, tần suất ổn định để thu hút hành khách đi lại bằng dịch vụ công cộng, giảm mức độ sử dụng phương tiện cá nhân.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh, khẩn trương nghiên cứu, lập dự án đầu tư trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, vận tải công cộng, hướng dẫn người dân đi lại đồng thời có khả năng giám sát và hỗ trợ xử lý vi phạm tại các thành phố trực thuộc trung ương, sau đó nghiên cứu áp dụng đối với các địa phương khác.

[...]