Thông báo 164/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp về tình hình xây dựng kho mua lúa gạo tạm trữ và chính sách sản xuất, tiêu thụ nông sản do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 164/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/05/2012
Ngày có hiệu lực 04/05/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Phạm Viết Muôn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH XÂY DỰNG KHO MUA LÚA GẠO TẠM TRỮ VÀ CHÍNH SÁCH SẢN XUẤT, TIÊU THỤ NÔNG SẢN

Ngày 23 tháng 4 năm 2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì họp về tình hình xây dựng kho mua lúa gạo tạm trữ và chính sách sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển và nông thôn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:

1. Về tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân năm 2012:

a) Việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân năm 2011-2012 tại vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được các doanh nghiệp triển khai kịp thời; đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ, bảo đảm cơ bản tiêu thụ hết lúa hàng hóa và góp phần tích cực nâng giá lúa gạo ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với một số địa phương kiểm tra, khảo sát lúa hàng hóa còn tồn trữ trong dân để đề xuất việc tiếp tục mua, giữ giá lúa ổn định, có lợi cho nông dân.

Do thị trường xuất khẩu có khó khăn, lượng gạo xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ và lượng gạo tồn kho khá lớn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, có giải pháp khắc phục khó khăn, bảo đảm tiêu thụ hết lúa hàng hóa và thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2012.

b) Việc hỗ trợ lãi suất để mua tạm trữ lúa gạo thời gian qua là giải pháp cần thiết có hiệu quả nhất định, tuy nhiên cần nghiên cứu xem xét thêm về thời điểm thực hiện để các doanh nghiệp chủ động mua kịp thời, không để giá lúa xuống quá thấp.

Về cơ bản lâu dài, để nông dân có lợi nhuận sản xuất lúa đạt từ 30% trở lên và giữ đất sản xuất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ngoài các chính sách hiện hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng trồng lúa, hỗ trợ người sản xuất khi giá lúa xuống dưới mức giá thành sản xuất; tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân theo hướng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào với giá cả ổn định, bảo đảm chất lượng và tổ chức tiêu thụ lúa gạo với giá có lợi cho nông dân.

2. Về xây dựng kho tạm trữ lúa gạo:

- Hiện tiến độ xây dựng kho dự trữ lúa gạo thực hiện chậm so với kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát để điều chỉnh kịp thời quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện ở từng địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ xây dựng theo quy định.

- Đối với đất xây dựng kho tạm trữ lúa gạo, doanh nghiệp đã bỏ tiền mua đất thì giao Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn cho phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

- Về vốn vay ưu đãi xây dựng kho tạm trữ lúa gạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Giao Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi cho phù hợp thực tế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện.

3. Đối với một số vấn đề có liên quan

- Danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và quyết định số 65/2011/QĐ-TTg: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.

- Tăng nguồn vốn vay không lãi để xây dựng trạm bơm điện, kiên cố kênh mương: Giao Bộ Tài chính xem xét cân đối tính toán để tăng thêm nguồn vốn vay này cho các địa phương xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Nhập khẩu đường: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét không cấp giấy phép nhập khẩu đường nếu sản xuất mía đường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu.

- Về tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương xem xét đánh giá hiệu quả đầu tư liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hộ nông dân và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án khả thi, theo đúng quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NN&PTNT, CT, KH&ĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- TCTLTMN, TCTLTMB;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTTH,
 ĐMDN, TH, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).44

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn