Thông báo 145/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 145/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/03/2017 |
Ngày có hiệu lực | 17/03/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Lê Mạnh Hà |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2017 |
Ngày 07 tháng 3 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Tham dự Hội nghị có các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an; các đồng chí là Trưởng ban và các Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công an (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Năm 2016, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch về phòng, chống tội phạm. Mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét, phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giảm 4,4% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2015. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm từng bước được nâng cao, nhiều mặt công tác đấu tranh chống tội phạm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ban Chỉ đạo 138 các cấp đã tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự; điều tra, khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kết thúc điều tra đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn, trọng điểm được dư luận quan tâm; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, đa dạng. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được tăng cường, đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm còn một số tồn tại, thiếu sót, đáng chú ý là: Công tác nắm tình hình và dự báo tình hình còn yếu nên có nơi, có lúc giải quyết vụ việc còn lúng túng, bị động; hiệu quả đấu tranh trấn áp các loại tội phạm chưa đủ mạnh; vẫn còn sai sót trong điều tra, xử lý tội phạm, đặc biệt là cấp cơ sở, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi chưa có chiều sâu. Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp như tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, tội phạm về ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh đa cấp, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia; tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình thủy lợi, đê điều, đất sản xuất, gây bức xúc dư luận...
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Để tiếp tục chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 138 các cấp và các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2017.
2. Nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phối hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tội phạm, tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, nơi trình độ người dân còn hạn chế dễ bị lợi dụng phạm tội, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người và tụ tập gây rối.... Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ, tạo điều kiện việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, giải quyết kịp thời, ngay từ cơ sở các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
3. Chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã (kể cả đối tượng truy nã trốn ra nước ngoài), không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm lộng hành, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Nơi nào để tội phạm hoạt động lộng hành trong thời gian dài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội để chuyển hóa thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp nhất.
4. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn nhất là các vụ án tham nhũng, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.
5. Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người đến năm 2020 của Chính phủ. Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các đề án của Chương trình, cần bám sát mục tiêu, nội dung chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện ngay trong Quý I/2017.
6. Ban Chỉ đạo 138 các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh công tác phòng, chống tội phạm tại các địa phương, đồng thời biểu dương thành tích, nhân điển hình tiên tiến, chiến công của các lực lượng chuyên trách và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Giao Bộ Công an đề xuất, chuẩn bị để trong năm 2017 Ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương.
7. Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhất là quy định về chế độ họp, chế độ thông tin báo cáo. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chế độ, nội dung, hình thức báo cáo định kỳ cho Ban Chỉ đạo.
8. Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.
Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, Luật mới được Quốc hội thông qua, nhất là Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật về những điểm mới trong các văn bản pháp luật, chủ động có kế hoạch thực hiện khi các Bộ luật, Luật có hiệu lực.
9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo yêu cầu của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.
10. Cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật công tác.
11. Giao Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |