Thông báo 16/TB-VPCP năm 2017 ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 16/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/01/2017
Ngày có hiệu lực 13/01/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2017

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2017 CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ngày 26 tháng 12 năm 2016, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cao Đức Phát - Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan thuộc Quốc hội, Trung ương Đảng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, ý kiến phát biểu của các địa phương và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Năm 2016, là năm đặc biệt khó khăn với ngành nông nghiệp. Thiên tai khốc liệt, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ lụt... xảy ra ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước; đồng thời, sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung xảy ra đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp (giá trị thiệt hại nông nghiệp ước tính khoảng 1,7 tỷ USD, tương đương gần 1,0% GDP của cả nước), môi trường và đời sống của người dân ảnh hưởng; nhiều tài sản, nhà cửa của Nhân dân, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trong bối cảnh rất khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã đoàn kết, đồng lòng cùng với cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai, nhân tai, giảm thấp nhất thiệt hại, khôi phục sản xuất và đã đạt được những kết quả quan trọng với mức tăng trưởng toàn ngành năm 2016 đạt khoảng 1,36% sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đặc biệt bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân nông thôn.

Cơ bản nhất trí với những đánh giá được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như ý kiến tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2016 là:

- Nông nghiệp nông thôn nước ta sau 30 năm đổi mới, đặc biệt trong những năm qua và năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, trong cân đối lương thực. Mặc dù năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 32 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu và duy trì xuất siêu; trong đó có 10 mặt hàng đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, đặc biệt giá trị xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt trên 2,4 tỷ USD.

- Công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai được các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và toàn ngành nông nghiệp, trước hết là các đồng chí lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, khắc phục mọi khó khăn, xử lý hiệu quả mọi tình huống, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

- Tái cơ cấu nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó một số địa phương triển khai thực hiện tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình,... Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Đời sống người nông dân tiếp tục được cải thiện.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đạt được mục tiêu đề ra, đến nay cả nước đã có 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 88%.

- Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng nông sản, vật tư nông nghiệp được tăng cường, cải thiện đáng kể, từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là của người nông dân, ngư dân, diêm dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong điều kiện thiên tai và nhân tai như trong năm vừa qua đã khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục trong thời gian tới:

- Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, người dân nông thôn còn quá lớn, trong khi tỷ trọng kinh tế từ nông nghiệp thấp, đời sống đại bộ phận người lao động trong nông nghiệp dù cơ bản ổn định nhưng còn khó khăn.

- Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, phổ biến vẫn là kinh tế hộ. Việc quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đang tạo ra những rào cản đối với nhu cầu sản xuất quy mô lớn, là một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

- Số doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít (chiếm tỷ trọng trên 1,0%), năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chất lượng cao, dịch vụ tốt trong nông nghiệp, nhiều hợp tác xã hoạt động còn bất cập, thậm chí yếu kém.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao, chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông còn yếu. Thương mại điện tử trong nông nghiệp phát triển chưa đáng kể.

- Đầu vào của nông nghiệp, nhất là chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý tốt. An toàn thực phẩm trong nông nghiệp còn chưa được kiểm soát triệt để, chưa nâng cao được nhận thức, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh. Công tác thanh tra ở cấp cơ sở chưa quyết liệt, hiệu quả.

- Công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường còn chậm, nhiều bất cập; quản lý, sử dụng đất đai ở các nông, lâm trường chưa chặt chẽ, còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.

- Công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng (Công ty nông lâm nghiệp) ở một số địa phương chưa được coi trọng. Nạn phá rừng tự nhiên chưa được ngăn chặn triệt để, đây là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là nguy cơ sa mạc hóa Tây Nguyên.

- Xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương, nhiều địa phương có nguồn lực nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chưa chú trọng đến phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; nợ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lớn.

- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ; nhiều hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước, kênh mương xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu nguồn lực để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng tiềm ẩn nguy hiểm khi mưa lũ và lãng phí nguồn nước.

- Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn chậm được cải thiện, nhất là các làng nghề, nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, khu chăn nuôi tập trung.

II. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NĂM 2017 VÀ THỜI GIAN TỚI

1. Định hướng:

Là quốc gia có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp so với các nước trong khu vực; mặt khác, phần lớn dân số nước ta sống ở nông thôn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp lớn, ngành nông nghiệp cần phát huy những lợi thế, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển theo một số định hướng sau:

[...]