Chỉ thị 30-CT/TW năm 1998 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 30-CT/TW
Ngày ban hành 18/02/1998
Ngày có hiệu lực 18/02/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Lê Khả Phiêu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 30-CT/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

1. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy một bước quyền làm chủ của nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chưa được cụ thể hoá và thể chế hoá thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống.

Như Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 6-1997) đã nhấn mạnh, lúc này để giữ vững và phát huy được bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, phải phát huy quyền làm chủ của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm kê, kiểm soát nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng.

Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Muốn vậy, Nhà nước cần ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, v.v. phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở.

2. Việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:

- Đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Coi trọng cả ba mặt nói trên, không vì nhấn một mặt mà coi nhẹ, hạ thấp các mặt khác.

- Vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình.

- Phát huy dân chủ phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ có chất lượng và hiệu quả.

- Nội dung các quy chế phát huy dân chủ ở cơ sở phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, rõ tinh thần dân chủ đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật.

- Gắn quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính không phù hợp.

3. Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở cần chú trọng làm rõ những vấn đề sau:

+ Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của nhân dân tại cơ sở; có chế độ và hình thức báo cáo công khai trước dân công việc của chính quyền, cơ quan, đơn vị về sản xuất và phân phối, về việc sử dụng công quỹ, tài sản công, về thu, chi tài chính, các khoản đóng góp của dân, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản, chế độ thu và sử dụng học phí, viện phí...

+ Có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị; kết quả ý kiến đóng góp phải được xem xét, cân nhắc khi chính quyền hoặc thủ trưởng ra quyết định.

+ Có quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định dân chủ đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn (như chủ trương huy động sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi, các khoản đóng góp và lập các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật...); chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo ý kiến của đa số nhân dân, có sự giám sát, kiểm tra của nhân dân.

+ Hoàn thiện cơ chế để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở trực tiếp và thông qua Mặt trận, các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhân dân phải được tiếp thu nghiêm túc.

+ Mở rộng các hình thức tổ chức tự quản để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hoá, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị (như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh, phong trào vệ sinh - môi trường, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, v.v.).

+ Xác định rõ trách nhiệm và tổ chức tốt việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và trả lời thắc mắc của nhân dân, công nhân, công chức ở cơ sở, chính quyền, cơ quan, đơn vị mình, nghiêm cấm mọi hành vi trù dập người khiếu nại, tố cáo.

+ Xác định trách nhiệm của tổ chức chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở định kỳ (ba tháng, sáu tháng, một năm) báo cáo công việc trước dân, phải tự phê bình và tổ chức để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở góp ý kiến, đánh giá, phê bình; nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp đó.

4. Về phương châm, phương pháp thực hiện, cần chú ý:

Tổ chức đảng và đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức đảng phải làm cho đảng viên thông suốt nhận thức, tư tưởng; đảng viên, nhất là các đảng viên có chức vụ trong chính quyền phải gương mẫu tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong đảng bộ và trong nhân dân.

- Phải làm từng bước vững chắc, không làm lướt, ồ ạt. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng cán bộ rồi mới triển khai mở rộng.

+ Qua tự phê bình trong nội bộ và qua phê bình nhận xét của nhân dân, biểu dương những cán bộ, đảng viên tốt, gương mẫu và xử trí những cán bộ, đảng viên có sai phạm. Việc xử trí cán bộ, đảng viên sai phạm phải nghiêm minh, có lý có tình, lấy giáo dục làm chính. Những người đã sai phạm nếu thành khẩn kiểm điểm và tích cực sửa chữa thì được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật; nếu ngoan cố hoặc tái phạm thì phải xử trí nghiêm khắc hơn.

5. Để tổ chức thực hiện Chỉ thị này, cần làm những việc sau:

+ Ban Cán sự đảng Chính phủ cùng Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các ban, ngành liên quan tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại cơ sở là xã (thị trấn, phường), doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp. Các loại hình cơ sở khác căn cứ vào quy chế của ba loại cơ sở trên để vận dụng thích hợp.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ