Thông báo số 143/1999/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 143/1999/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/07/1999
Ngày có hiệu lực 21/07/1999
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Đoàn Mạnh Giao
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 143/1999/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1999

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 143/TB-VPCP NGÀY 21 THÁNG 7 NĂM 1999 VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỚI BAN CHỈ ĐẠO CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Ngày 15 tháng 7 năm 1999, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg trong 6 tháng đầu năm 1999 và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Sau khi nghe đồng chí Phan Văn Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

Trong 6 tháng qua, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại được tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, kiên trì và quyết liệt, Ban chỉ đạo 853TW cũng như các Bộ, ngành chức năng và chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại giảm mạnh đối với một số mặt hàng, có tác dụng trực tiếp đến phát triển sản xuất trong nước, tăng thu ngân sách và góp phần ổn định tỷ giá, giá cả thị trường. Tuy nhiên, tình hình hàng nhập lậu vào nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Có nơi, có lúc, một số mặt hàng nhập lậu vẫn gia tăng và phát sinh một số mặt hàng nhập lậu mới (đường, gạo, trứng gà, bột ngọt, nước giải khát...). Sở dĩ có tình trạng trên, nguyên nhân khách quan là do giá cả một số mặt hàng các nước khác quá rẻ, trong khi giá các mặt hàng này của ta lại cao hơn. Nhưng về chủ quan, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số địa phương và Bộ, ngành chức năng chưa kiên quyết, triệt để, cá biệt có nơi còn về quyền lợi cục bộ, nhận thức lệch lạc xem đây là biện pháp để tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho khu vực biên giới mà không thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp về chống buôn lậu và gian lận thương mại, gây phương hại cho sản xuất trong nước.

Để phát huy tốt kết quả đã đạt được, các Bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền cần làm tốt một số việc sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung và ý nghĩa của việc thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xác định chống buôn lậu là cuộc đấu tranh quyết liệt chính là để bảo vệ công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động tại các cơ sở sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa việc tổ chức, chỉ đạo phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng trong việc chống buôn lậu và gian lận thương mại. Phải tạo được sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức, ngay trong nội bộ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhằm bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

Việc thông tin tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng phải nêu gương những đơn vị làm tốt, làm có kết quả, đồng thời phê phán những nơi làm chưa tốt, các hành vi tiêu cực, để phát huy nhân rộng và sửa chữa khắc phục. Mặt khác, phải tuyên truyền để mọi người nhận thức rằng, giải pháp cơ bản phải là nỗ lực vươn lên, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng mặt hàng. Trưởng Ban chỉ đạo 853TW phải có biện pháp thông tin kịp thời cho báo chí về tình hình, kết quả thực hiện chống buôn lậu, nhất là của các đơn vị, địa phương, địa bàn trọng điểm.

2. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng, hình thức, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh lành mạnh đối với hàng ngoại nhập. Trước mắt cần có những chính sách, cơ chế tài chính, thuế... để các sản phẩm sản xuất trong nước (như ngành sản xuất đường, vật liệu xây dựng, dệt may...) có điều kiện ổn định sản xuất, khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn lên.

3. Việc dán tem các mặt hàng nhập khẩu trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực trong công tác quản lý, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu. Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan sớm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, để tiếp tục thực hiện và phát huy tốt tác dụng của biện pháp này.

- Đối với đề án dán tem thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Ban 853 Trung ương và Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam cần cân nhắc, xem xét kỹ. Trước mắt tiếp tục cho tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu. Để động viên kịp thời các lực lượng chức năng, giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế trích thưởng riêng đối với mặt hàng này.

4. Các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm ở biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam, tuyến biển và thị trường nội địa. Trên cơ sở đề cao trách nhiệm và làm tốt chức năng của từng ngành, cần phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, tạo điều kiện và hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

- Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các ngành có liên quan làm tốt công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả.

- Việc lập các Trạm kiểm soát liên hợp là để thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, không phải để thu thuế; Vì vậy, phải tiếp tục củng cố, kiện toàn các Trạm kiểm soát liên hợp đã thành lập, bảo đảm không gây phiền hà, nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ. Giao Trưởng Ban chỉ đạo 853TW thành lập chốt kiểm soát liên hợp tại cầu Sắt bắc qua kênh Rạch Tràm (lực lượng gồm Công an và Hải quan tỉnh Long An, Tây Ninh)

5. Bộ Thương mại chủ trì sơ kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 1999 về việc thực hiện chủ trương hàng đổi hàng thời gian qua, có biện pháp uốn nắn kịp thời các sai phạm, đặc biệt là đối với xe 2 bánh gắn máy. Quá trình thực hiện, nếu phát hiện có tổ chức cá nhân vi phạm thì phải xử lý nghiêm, trường hợp nghiêm trọng chuyển các cơ quan pháp luật xem xét.

- Giao Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có ngay biện pháp xử lý nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại qua giá hàng xuất, hàng nhập để trốn thuế xuất nhập khẩu.

6. Về một số kiến nghị cụ thể khác:

- Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể thêm về tiêu chuẩn hành lý miễn thuế, quy định rõ đối với các đối tượng xuất nhập cảnh thường xuyên (nhất là xuất nhập cảnh qua Lào, Trung Quốc, Campuchia), có biện pháp ngăn chặn những đối tượng lợi dụng để mang hàng hoá với số lượng lớn.

- Đối với các sản phẩm nhập lậu bị tịch thu, kể cả các loại giống (hạt, cây con...) nhất thiết phải qua kiểm dịch, chỉ cho sử dụng khi đã qua kiểm dịch và đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Riêng trứng nhập lậu bị tịch thu cho phép bán.

- Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp đôn đốc các ngành bàn giao nhanh số hàng hoá bị tịch thu cho cơ quan tài chính để tổ chức tốt việc bán đấu giá. Bộ Tài chính cần khẩn trương bán số xe ô tô ở Móng Cái bị tịch thu, và đề xuất sử dụng số tiền bán được, tập trung đầu tư cho các xã nghèo.

Bộ Tài chính sớm nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ việc thu thuế trước bạ số xe hai bánh gắn máy được mua đi bán lại qua nhiều chủ, bảo đảm thu được thuế nhưng không gây phiền hà cho dân, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đề xuất cơ chế trích thưởng từ số tiền thu được do bán gỗ, lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép bị tịch thu.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, ngành địa phương biết, thực hiện.

 

Đoàn Mạnh Giao

(Đã ký)

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ