Thông báo 140/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về giải pháp bảo đảm cung cấp điện mùa khô và cả năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 140/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/03/2013
Ngày có hiệu lực 29/03/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hữu Vũ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 140/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CUNG CẤP ĐIỆN MÙA KHÔ VÀ CẢ NĂM 2013

Ngày 18 tháng 3 năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp về các giải pháp bảo đảm cung cấp điện mùa khô và cả năm 2013. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của các Tập đoàn và Bộ Công Thương, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:

1. Do tiến độ nhiều dự án nguồn điện vào chậm, có khả năng thiếu điện vào mùa khô năm 2013, nhất là tại khu vực phía Nam, nhiều giải pháp đã được áp dụng nhằm bảo đảm việc cung cấp điện; tăng cường khai thác các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tiết kiệm nước cho các nhà máy thủy điện để có thể khai thác tốt nhất nguồn thủy điện cho cấp nước vụ Đông Xuân và cấp điện trong mùa khô năm 2013.

Hiện nay, mức nước và lượng nước về của một số hồ thủy điện, nhất là các hồ tại khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, thời gian tới tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể còn gay gắt hơn, rộng hơn, các tỉnh Tây Nguyên khô hạn có thể kéo dài đến cuối tháng 4 năm 2013, các tỉnh Trung Bộ có thể kéo dài đến tháng 7, tháng 8 năm 2013.

Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị trước nên mùa khô năm 2013, về cơ bản đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; tuy nhiên, cần phải chuẩn bị thêm các phương án ứng phó với các diễn biến bất thường có thể xảy ra, như nắng nóng kéo dài trong các tháng mùa hè làm nhu cầu điện tăng đột biến, hoặc trường hợp sự cố lớn trong các nhà máy điện, trong lưới điện 500 - 220kV, nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến,...

2. Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chiến lược phát triển 10 năm 2011 - 2020 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành điện Điện lực Việt Nam cần tập trung vào quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng, cung cấp điện đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân với nhu cầu điện sản xuất và nhập khẩu năm 2013 là 133,4 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2012, sản lượng trong các tháng mùa khô là 64,1 tỷ kWh, tăng 10,6% so với năm 2012; các Tập đoàn cần sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô tăng cao hơn (tăng 12% - 13% so với cùng kỳ năm 2012).

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô năm 2013 và chuẩn bị cho các năm tới, các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng cùng các Tổng công ty Điện lực, Công ty điện lực tại các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

- Phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cân đối chặt chẽ giữa nhu cầu về đạm và yêu cầu duy trì sản xuất với số đạm tồn kho, từ đó cân đối giảm một phần lượng khí cấp cho các nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau để tăng thêm cho các nhà máy điện chạy khí tại Nhơn Trạch và Cà Mau.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện đang xây dựng; giúp chủ đầu tư và các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo Tổng công ty Sông Đà khẩn trương khắc phục các khiếm khuyết, sớm đưa nhà máy thủy điện Xê Kaman 3 vào vận hành.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức BOT.

- Khẩn trương hoàn thành thẩm định lựa chọn địa điểm Dự án cảng trung chuyển than khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2013.

- Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nhiệt điện đốt than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sớm ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp, điều tiết xả nước các hồ thủy điện, kết hợp sử dụng hợp lý nguồn nước của các hồ thủy lợi hiện có để đáp ứng tốt nhất nhu cầu về điện, về nước cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước; chủ động phối hợp với các Tổng công ty điện lực, Công ty điện lực tại địa phương, đặc biệt ở các tỉnh miền Nam, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.

- Chỉ đạo chính quyền cơ sở các cấp, các cơ quan chức năng địa phương và nhân dân, tổ chức sản xuất theo đúng lịch thời vụ và theo sát kế hoạch xả nước của các hồ thủy điện, thủy lợi để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án điện để sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư; đáp ứng tiến độ xây dựng các công trình điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện quốc gia và của địa phương.

d) Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Xây dựng phương án cụ thể và thực hiện điều tiết các hồ thủy điện một cách chặt chẽ, hợp lý, bám sát tình hình thời tiết, thủy văn và tình hình cấp khí cho phát điện; khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong mùa khô để vừa phát điện vừa cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đẩy mặn. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh có nhà máy thủy điện để điều tiết nước các hồ thủy điện đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát điện.

- Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý, đảm bảo sự phối hợp hợp lý giữa các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang, giữa các nhà máy sử dụng chung nguồn năng lượng sơ cấp; phối hợp chặt chẽ với các nguồn điện của các Tập đoàn: Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và các đơn vị phát điện khác, đảm bảo nguồn phát cho hệ thống điện.

- Chỉ đạo các Tổng công ty và Công ty phát điện cần xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tổ máy cũng như các thiết bị liên quan để đảm bảo các tổ máy sẵn sàng phát điện, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để khắc phục nhanh sự cố.

- Chuẩn bị phương án huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu (FO, DO), các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô. Trường hợp cần huy động nguồn điện chạy dầu, ưu tiên huy động nhà máy điện Hiệp Phước, nằm tại trung tâm phụ tải khu vực phía Nam.

[...]