Thông báo 114/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 114/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/04/2022
Ngày có hiệu lực 15/04/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 14 BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Sáng ngày 09 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì phiên họp lần thứ 14 của Ban chỉ đạo Quốc gia trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại các điểm cầu các địa phương có Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 (dự họp tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Chúng ta đã yên tâm, tự tin hơn trong công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế sau khi chúng ta là một trong những nước đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao nhất trên thế giới, từng bước chủ động được thuốc điều trị COVID-19 và ngày càng có thêm kinh nghiệm về phòng, chống dịch. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%; tỷ lệ chết/mắc giảm từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% (thấp nhất kể từ tháng 8/2021). Do kiểm soát được COVID-19 nên đã đẩy mạnh hơn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; quyết định mở cửa du lịch kịp thời; yêu cầu mở cửa trường học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

2. Nguyên nhân của những kết quả này là do: (1) Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Nghị quyết số 38 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; (2) Sự lãnh đạo đúng hướng và quyết tâm, nỗ lực, quyết liệt, thường xuyên, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả của các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và chính quyền các cấp; (3) Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin nhất là tiêm mũi thứ 3 cho người lớn và cho trẻ em (đối với các đối tượng phải tiêm); chuyển từ quản lý số ca mắc mới sang quản lý rủi ro hiệu quả, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, số chuyển nặng và số ca tử vong; từng bước chủ động được nguồn cung ứng thuốc điều trị; (4) Đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, nhất là đối với việc tiêm chủng vắc xin; (5) Tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau hơn 2 năm phòng, chống dịch và tham khảo, vận dụng sáng tạo các bài học của thế giới vào điều kiện thực tiễn nước ta; (6) Tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

3. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục thời gian tới: (1) Tốc độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người trên 18 tuổi còn chậm chưa đạt yêu cầu của Ban Chỉ đạo đề ra; (2) Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết triển khai nhiều hơn nữa việc cung ứng, triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để đạt mục tiêu đề ra trong phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo Quốc gia; (3) vẫn có nơi, có lúc lúng túng, bị động trong tổ chức, hướng dẫn điều trị tại nhà; một số hướng dẫn chưa được cập nhật kịp thời, thiếu thống nhất; (4) Thiếu hụt cục bộ nhân lực ở một số địa phương khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc điều chuyển nhân lực còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời; (5) Việc chi trả, thanh toán tài chính cho công tác phòng, chống dịch còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; chậm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; (6) Việc điều chỉnh, sửa đổi các hướng dẫn, biện pháp chưa thật sự kịp thời, chưa đáp ứng được với diễn biến dịch bệnh.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do: (1) Vẫn còn có nơi, có lúc, có tập thể, đơn vị, cá nhân còn tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh, cá biệt còn có tâm lý trông chờ, “ỉ” lại vắc xin; (2) Một số Ban chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong phòng, chống dịch; (3) Tình hình dịch bệnh có nhiều thay đổi nhưng việc thích ứng linh hoạt chưa cao; (4) Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn một số bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ.

4. Dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do mức độ bao phủ vắc xin khác nhau ở các quốc gia, có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, nhiều vấn đề chưa thể dự báo kịp thời, chính xác. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao công tác dự báo tình hình dịch; theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới; bám sát khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học. Tiếp tục tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đẩy mạnh và nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em, người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị lớn ... Tập trung quản lý rủi ro, kiểm soát chặt chẽ để giảm các ca chuyển nặng và tử vong. Chủ động về thuốc điều trị và đề cao ý thức người dân.

5. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Tinh thần chung là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì tình hình còn diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin nhất là cho trẻ em; lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể:

a) Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ được phê duyệt tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 (Chương trình), theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tập trung quản lý rủi ro nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, trẻ em. Rà soát, khắc phục yếu kém y tế dự phòng, y tế cơ sở để có năng lực ứng phó khi tình hình phức tạp xảy ra.

Các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Chương trình; chuẩn bị nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm... để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh, nhất là các phương án cụ thể; sẵn sàng kịch bản đáp ứng cho mọi tình huống, kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

b) Vắc xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vắc xin có hiệu quả bảo vệ suy giảm theo thời gian. Vì vậy cần tập trung đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng phải tiêm:

- Hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người cần tiêm trong quý II/2022.

- Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm, nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động ở khu đông người.

c) Quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vắc xin cho trẻ em:

- Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022

- Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong Quý II/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9 năm 2022.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, triển khai nhanh hơn nữa việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để đạt mục tiêu đề ra trong phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo Quốc gia;

Bộ Y tế đảm bảo đủ vắc xin; các địa phương đảm bảo tổ chức tiêm chủng khoa học, an toàn, hiệu quả, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; các Ban chỉ đạo, chính quyền địa phương các cấp tập trung vận động, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng trong chỉ định tiêm, nhất là các đối tượng rủi ro cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người lao động tại các khu công nghiệp, đô thị lớn ...

d) Đẩy mạnh việc chủ động sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh, kít xét nghiệm với việc đơn giản thủ tục hành chính đến mức tối đa nhất có thể, nhưng phải bảo đảm đúng quy định hiện hành, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.

đ) Các Ban Chỉ đạo, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

e) Công tác tuyên truyền: Cần xây dựng các nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc điều trị tại nhà, mở các cuộc tọa đàm; tập trung tuyên truyền cho việc tiêm vắc xin trẻ em; kỹ năng tự chữa trị, tự phòng, chống dịch COVID-19.

g) Tiếp tục rà soát các quy định, quy chế về phòng, chống dịch; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin phải kịp thời, chính xác.

h) Công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

6. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các công việc cụ thể:

a) Bộ Y tế:

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ