Thông báo 205/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 205/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/07/2022
Ngày có hiệu lực 15/07/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI PHIÊN HỌP THỨ 15 CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Sáng ngày 05 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) trực tuyến với các địa phương. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Tổng Giám đốc các cơ quan: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo: Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Tại các điểm cầu các địa phương có các đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 (dự họp tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi nghe báo cáo của Lãnh đạo Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, các đại biểu tham dự cuộc họp, Ban chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất chỉ đạo:

1. Trên phạm vi cả nước, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát tốt; các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tương đối toàn diện. Những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

2. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn tồn tại nhiều thách thức: (i) Dịch đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia kể cả các quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, với sự xuất hiện của biến thể mới của Omicron (chủng BA.4 và BA.5); (ii) Nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng BA.5 trong cộng đồng; (iii) Việc tiêm vắc xin chưa đảm bảo tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng của Bộ Y tế, các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt, khoa học; thông tin tuyên truyền chưa tương xứng với diễn biến tình hình dịch bệnh; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan.

3. Thời gian tới, các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Tiếp tục quán triệt và làm sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo:

- Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.

- Người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

- Phòng dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch.

- Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tham gia của nhân dân.

- Tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.

4. Tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau:

(1) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị); Công thức: 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về thực hiện 2K và các thành tố khác.

Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả khi dịch bùng phát trở lại.

(2) Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin, trong đó: (i) Bộ Y tế hướng dẫn tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả và cụ thể việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng; đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi... Rà soát kế hoạch tiêm vắc xin 6 tháng cuối năm 2022, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023 và kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi; (ii) Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành; (iii) Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin và tiêm các mũi 3, mũi 4 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong; các địa phương tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư với tinh thần truyền thông đến mọi đối tượng, theo cách phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng truyền thông; (iv) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, bảo đảm theo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế rà soát, thống nhất các thuật ngữ trong truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về quy trình, thủ tục nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước và các vắc xin phòng bệnh khác để từng bước làm chủ công nghệ sản xuất trong nước tiên tiến, hiện đại.

(3) Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh: Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.

Bộ Y tế thực hiện đánh giá miễn dịch cộng đồng với COVID-19, bảo đảm chính xác, khoa học, hiệu quả để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống các dịch bệnh khác.

(4) Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân: (i) Bộ Y tế khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 29/6/2022 và Công văn số 4035/VPCP-KTTH ngày 29/6/2022 của Văn phòng Chính phủ; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; các bộ, cơ quan liên quan đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, góp ý để sớm ban hành Nghị quyết này; rút kinh nghiệm về việc cấp phép, gia hạn thuốc, cải cách hành chính trong lĩnh vực này, bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai minh bạch; (ii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tổ chức mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý.

(5) Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng: (i) Quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học; ngành Y tế tại địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành Giáo dục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng chống dịch; (ii) Bộ Y tế tiếp tục việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực y tế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo tiến độ trình phê duyệt, triển khai.

(6) Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và tiêm vắc xin, bảo đảm khoa học, hiệu quả và an toàn phòng chống dịch bệnh.

(7) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Y tế thống kê, đánh giá đầy đủ về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc... để có các giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

(8) Về chế độ báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia: Đồng ý đề xuất về việc các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tháng (thay cho hiện nay đang là 01 tuần/lần) và gửi về Bộ Y tế (trước ngày 25 hằng tháng) để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Bộ Y tế tiếp tục tổng hợp, báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 hằng tháng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bộ Y tế ký, đóng dấu các tài liệu, báo cáo phục vụ các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia theo đúng quy định.

(9) Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin mũi 3, mũi 4, vai trò của ý thức người dân, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới...

(10) Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai các hoạt động phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

[...]