Thông báo 11/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh An Giang về kiểm tra tình hình an ninh trật tự, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/01/2019
Ngày có hiệu lực 08/01/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Thành
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH AN GIANG VỀ KIỂM TRA TÌNH HÌNH AN NINH TRẬT TỰ, PHÒNG CHỐNG BUÔN LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI

Ngày 15 và 16 tháng 12 năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn kiểm tra khảo sát về tình hình an ninh trật tự, phòng, chống buôn lậu tại thành phố Châu Đốc và làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về tình hình an ninh trật tự, buôn lậu trên địa bàn Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Dân vận Trung ương, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng Cục Quản lý thị trường, Tổng Cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, các Bộ, cơ quan và các thành viên Đoàn kiểm tra; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Về công tác đảm bảo an ninh trật tự:

Tỉnh đã có các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, kiềm chế, kéo giảm phạm pháp hình sự; triệt xóa được nhiều tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự; phát hiện bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy lớn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường...Công tác tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 93,2%. Hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm tiếp tục được duy trì, phát huy và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển chung. Công tác phòng ngừa xã hội ở một số nơi còn mang tính hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao. Tội phạm hình sự giảm, nhưng vẫn còn xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội (như các vụ giết người, cướp tài sản); tội phạm tham nhũng gây thất thoát tài sản diễn ra đáng lo ngại; tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp; các sai phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn xảy ra, hoạt động của các loại tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy gia tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...

2. Về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:

An Giang có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp Vương Quốc Campuchia; có 05 cửa khẩu (02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính, 01 cửa khẩu phụ). Với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở, nhất khi nước lũ dâng cao tràn ngập các tuyến đường thông qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.407 vụ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; trị giá hàng hóa trên 38 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 14,478 tỷ đồng, khởi tố 27 vụ/27 đối tượng. Trong đó, lực lượng Công an khởi tố 18 vụ/18 đối tượng liên quan đến hành vi buôn lậu thuốc lá.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lậu thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả trên địa bàn Tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhưng vẫn còn một số hạn chế chủ yếu sau:

- Các mặt hàng thuốc lá và đường cát là những mặt hàng buôn lậu trọng điểm. Tuy nhiên, công tác đấu tranh và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng này vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, vẫn còn tồn tại nhiều đường dây nổi cộm, có sự tiếp tay, bảo kê của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Vấn đề này cần có biện pháp để xử lý triệt để trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2018, các mặt hàng rác thải, chất thải độc hại đội lốt phế liệu từ các nước trên thế giới vận chuyển đến Việt Nam gia tăng đột biến, trong thời gian gần đây tập trung vào các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, như Kiên Giang, An Giang,...nguyên nhân là do chính quyền địa phương tại đây còn bị động, chưa có biện pháp xử lý quyết liệt.

- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa hiệu quả, nhất là khu vực biên giới, bà con, dân nghèo vẫn tham gia, tiếp tay cho buôn lậu (đây cũng là hạn chế của Tỉnh trong công tác dân vận chính quyền);

- Nhận thức về nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của một số cấp ủy, chính quyền thành phố chưa đầy đủ; do đó chỉ đạo chưa quyết liệt, đặc biệt còn một số cơ quan , đơn vị, cá nhân trong khi thi hành công vụ thiếu chủ động, mất cảnh giác, đáng chú ý một bộ phận cán bộ, công chức, chiến sỹ vì vụ lợi đã bỏ qua, thậm chí vì lợi ích vật chất đã tiếp tay, bao che, bảo kê cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Công tác chỉ đạo nắm tình hình, điều tra cơ bản chưa được tiến hành thường xuyên, bài bản dẫn đến bị động, lúng túng trong việc dự báo và tham mưu về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chưa đáp ứng yêu cầu, do đó: hiệu quả phòng ngừa, phòng chống, buôn lậu còn hạn chế, đáng chú ý chưa phát động có hiệu quả cao Phong trào quần chúng tố giác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

- Trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu tuy đã được xác định rõ ràng, nhưng trên thực tế, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, điều này chứng tỏ vẫn còn có những đơn vị, người đứng đầu đơn vị chưa làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý nội bộ, nhất là các lực lượng ở biên giới.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI:

1. Về an ninh trật tự:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Kết luận số 32-KL/TW ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Bộ Chính trị về tình hình an ninh, trật tự nổi lên gần đây và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

- Chủ động nắm chắc tình hình, có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại trẻ em...

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, nhất là quản lý về cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm lợi dụng; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

- Quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; tham gia phát hiện, tố giác, cảm hóa, giáo dục và quản lý người phạm tội tại cộng đồng dân cư.

2. Về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:

- Phải tập trung chỉ đạo, quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Quan tâm phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhất là trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đối với rác thải đội lốt phế liệu nhập khẩu, yêu cầu Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, huy động tất cả các lực lượng, người dân cùng vào cuộc, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép, buôn lậu phế liệu, rác thải đội lốt phế liệu.

- Các lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh phải chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Làm tốt công tác phối hợp lực lượng, kịp thời chia sẻ thông tin, nắm chắc từng đối tượng, tuyến, địa bàn, tập trung phát hiện, xác lập, triệt phá các “đường dây”, “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phế liệu, đường cát, thuốc lá, rượu,... Có các biện pháp bảo vệ cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ, người dân tham gia tố giác tội phạm...

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, các thủ đoạn gian lận thương mại, tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc để người dân không tiêu dùng các mặt hàng này, đặc biệt là trên hệ thống loa đài tại các trung tâm thương mại và các chợ đầu mối.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ