Nghị quyết 124/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018

Số hiệu 124/NQ-CP
Ngày ban hành 06/10/2018
Ngày có hiệu lực 06/10/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2018

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018, tổ chức vào ngày 01 tháng 10 năm 2018,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Chính phủ yêu cầu:

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, tờ trình, báo cáo trình Quốc hội thuộc trách nhiệm của bộ, cơ quan mình theo phân công, bảo đảm chất lượng, đúng thủ tục và gửi Quốc hội theo thời hạn yêu cầu.

- Các thành viên Chính phủ dành thời gian nghiên cứu kỹ, cho ý kiến đối với những tài liệu, báo cáo gửi xin ý kiến trước khi trình Quốc hội. Chủ động nắm bắt thông tin; kịp thời cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu, giải trình cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí những vấn đề đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt là việc chuẩn bị báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về những cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ.

- Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các dự án luật, tờ trình, báo cáo theo phân công, bảo đảm các báo cáo, tài liệu gửi Quốc hội đúng tiến độ yêu cầu.

2. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ

Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào thực chất hơn. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng chứng khoán phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 duy trì đà tăng cao, ước đạt 6,88%; 9 tháng ước đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ trong 07 năm qua. Cả ba khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ, trong đó khu vực nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, thiên tai nhưng tăng trưởng ước đạt 3,65% cao nhất kể từ năm 2012. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, ước đạt 8,89%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 11,3% so với cùng kỳ; thu hút 11,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9%. Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó khu vực trong nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 14,6%; xuất siêu đạt gần 5,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%; tỷ lệ nợ công so với GDP giảm. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập và quy mô vốn bình quân đều tăng so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường, lao động, việc làm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tăng cường. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập được chú trọng, tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018; khẳng định và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; rủi ro tỷ giá, lãi suất gia tăng; căng thẳng địa chính trị diễn biến khó lường; khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta trên nhiều phương diện. Áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu; tốc độ tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng giảm; giải ngân đầu tư công và vốn ODA còn thấp so với yêu cầu. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Việc thực thi đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông cháy nổ, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, thời tiết, thiên tai, bão lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không chủ quan, lơ là theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trong nước và thế giới, kịp thời có đối sách phù hợp; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân, tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong những tháng còn lại của năm 2018; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiên quyết không gia hạn, chuyển tiếp đối với các dự án giải ngân chậm tiến độ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư. Khẩn trương hoàn thành Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, bố trí vốn đầu tư trung hạn để cải tạo, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.

- Bộ Tài chính có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo lộ trình, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước hợp lý. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán; điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Đánh giá kỹ tác động của các chính sách thuê mới, tạo đồng thuận xã hội. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại. Hướng dẫn sắp xếp lại, xử lý tài sản công đang còn vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP, đặc biệt là các cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; trường hợp cần thiết, đề xuất báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP cho phù hợp.

- Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp quan trọng, tạo sức lan tỏa.

- Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm môi trường.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chủ động phương án phòng, chống kịp thời, đặc biệt là đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng hơn nữa phát triển du lịch chất lượng cao, phấn đấu đạt chỉ tiêu đã đề ra về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm chỉ tiêu về số lượng khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển du lịch.

- Bộ Y tế tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy.

- Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tăng cường chỉ đạo các hoạt động thiết thực phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện; chỉ đạo tổ chức rà soát, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm. Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động Ngày vì người nghèo và Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; đa dạng hóa biện pháp cai nghiện ma túy.

[...]