Quyết định 176-QĐ/LBGTVT-NV năm 1989 ban hành Điều lệ trật tự an, toàn giao thông vận tải đường bộ của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải

Số hiệu 176-QĐ/LBGTVT-NV
Ngày ban hành 09/12/1989
Ngày có hiệu lực 09/12/1989
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Nội vụ
Người ký Bùi Danh Lưu,Mai Chí Thọ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 176-QĐ/LBGTVT-NV

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH LIÊN BỘ

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRẬT TỰ,AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Để tăng cường công tác trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ nhằm từng bước góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Giao thông vận tải và ông Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông trật tự Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành Điều lệ trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày ký. Những quy định về trật tự, an toàn giao thông vận tải đường bộ đã ban hành trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương; Chánh văn phòng hai Bộ; Vụ trưởng Vụ pháp Chế, Vụ quản lý giao thông thuỷ bộ (Bộ Giao thông vận tải); Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông - trật tự (Bộ Nội vụ); Tổng giám đốc các Liên hiệp xí nghiệp quản lý đường bộ; Giám đốc các Sở giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Bùi Danh Lưu

(Đã ký)

Mai Chí Thọ

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
( Ban hành kèm theo Quyết định Liên bộ số 176 - QĐ/LBGTVT - NV ngày 9 tháng 12 năm 1989 của Liên bộ Giao thông vận tải và Nội vụ)

Chương 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng phạm vi áp dụng.

Những người điều khiển các loại xe có động cơ hay không có động cơ; người dẫn dắt hoặc điều khiển súc vật; người cưỡi súc vật (lừa, ngựa...); người đi bộ hoặc làm những công việc khác trên các đường giao thông công cộng và chuyên dùng phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ này.

Điều 2. Khi xảy ra tai nạn giao thông.

Mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông xe phải giữ nguyên ở hiện trường, các dấu vết của tai nạn phải được bảo vệ. Người bị thương phải đưa đi cấp cứu ngay, hàng hoá phải được bảo vệ chu đáo; người có liên quan trực tiếp đến tai nạn phải có mặt tại chỗ chờ nhà chức trách đến lập biên bản.

Cấm mọi hành vi gây nguy hại cho người và xe đã gây ra tai nạn.

Trừ xe của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, còn các xe khác khi qua nơi xảy ra tai nạn nếu có người bị thương đều có nhiệm vụ chở người bị thương đó đến nơi cấp cứu và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất biết. Người trốn tránh tải thương sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.

Điều 3. Hệ thống báo hiệu đường bộ.

Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm có:

a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

b) Tín hiệu đèn, cờ, còi.

c) Các biển báo hiệu, các dấu hiệu kẻ trên mặt đường và trên các công trình giao thông khác.

Trong trường hợp cùng có các tín hiệu khác nhau thì phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Cấm dùng những loại báo hiệu khác trái với những báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Chương 2:

[...]