Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 999/QĐ-BTC năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính

Số hiệu 999/QĐ-BTC
Ngày ban hành 14/05/2014
Ngày có hiệu lực 14/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 999/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Thanh tra Bộ Tài chính chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ Tài chính có con dấu riêng, tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Về thanh tra:

a) Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn Kế hoạch thanh tra ngành Tài chính;

b) Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính; tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra của các Tổng cục và Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

c) Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính;

d) Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính;

đ) Thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

e) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tài chính và của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính;

g) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Tổng cục trưởng các Tổng cục và Cục trưởng Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính khi cần thiết;

h) Quyết định thanh tra lại những vụ việc thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tàì chính đã được Tổng cục trưởng các Tổng cục, Cục trưởng Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

i) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của các Tổng cục và Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

k) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với các Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Sở Tài chính; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, hoặc hủy bỏ những quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật, hoặc kiến nghị việc sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách không còn phù hợp được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính.

5. Đầu mối tổng hợp báo cáo, theo dõi, đôn đốc đối với các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý về tài chính của Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan thanh tra, Cơ quan cảnh sát điều tra; phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước trong quyết toán ngân sách liên quan đến xử lý kết luận của các cơ quan kiểm toán, thanh tra, cảnh sát điều tra.

[...]