Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Phú Yên

Số hiệu 922/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/06/2014
Ngày có hiệu lực 17/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Quang Nhất
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 922/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 17 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Xét đề nghị của Ban Dân tộc (tại Tờ trình số 123/TTr-BDT ngày 23/4/2014),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Phú Yên”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 17/6/2014 của UBND tỉnh Phú Yên)

Phần I

THỰC TRẠNG ĐỊA BÀN VÙNG DÂN TỘC MIỀN NÚI

I. Tình hình chung

1. Khái quát đặc điểm khu vực miền núi dân tộc của tỉnh Phú Yên

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 5.060 km2, vùng miền núi 3.679 km2, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh. Địa hình có nhiều đồi núi, đèo dốc; thời tiết, khí hậu ít thuận lợi, lượng mưa trung bình năm từ 2.294 - 2.970 mm, thường xảy ra hạn hán và lũ lụt gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tỉnh có 3 huyện miền núi (Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân) và 4 huyện, thị xã (huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và Thị xã Sông Cầu) có 9 xã miền núi. Hiện nay, vùng dân tộc-miền núi tỉnh Phú Yên có 45 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, có 34 thôn, buôn đặc biệt khó khăn ở xã khu vực I, II được đầu tư Chương trình 135 theo Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Ủy ban Dân tộc, có 02 huyện Đồng Xuân và Sông Hinh được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng cơ chế chính sách quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Dân số vùng miền núi là 221.185 người, 56.334 hộ, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc thiểu số 53.324 người (12.039 hộ) với 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là Êđê (20.733 người), Chăm (21.193 người), Bana (4.296 người), Tày - Nùng (4.375 người) và các dân tộc khác. Toàn vùng miền núi có 18.864 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 33,49% trên tổng số hộ, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS):

7.156 hộ, chiếm tỷ lệ 59,4% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 3-4% (riêng vùng đồng bào dân tộc giảm từ 4-5%).

2. Đánh giá kết quả tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách trên địa bàn vùng miền núi trong các năm qua

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 26,43%, trong đó đào tạo nghề 16,36%; giải quyết việc làm cho lao động hàng năm: 3.500 người/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt 13%, GDP bình quân đầu người ở khu vực miền núi từ 11-13 triệu đồng/người/năm, ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 9 triệu đồng/người/ năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số 6,8 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng được giữ vững.

- Về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: sắn, mía, cao su…, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, như cung cấp vật tư, giống, công cụ sản xuất, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi một cách bền vững.

- Về kết cấu hạ tầng: Được quan tâm đầu tư của Trung ương, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước… hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện mở rộng sản xuất nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng miền núi được đẩy mạnh. Nhiều thôn, buôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng các mỗi dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thôn, buôn đều có đội văn nghệ cồng chiêng. Công tác sưu tầm văn hóa các dân tộc được chú trọng, tạo điều kiện cho các nghệ nhân bảo tồn và lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Tuy nhiên, vùng miền núi dân tộc của tỉnh vẫn đang là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo hàng năm còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, còn manh mún. Tình trạng dân thiếu đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt, du canh, du cư vẫn tồn tại ở một số nơi. Hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các địa phương còn hạn chế.

[...]