Quyết định 201/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Sóc Trăng

Số hiệu 201/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/09/2014
Ngày có hiệu lực 29/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Nguyễn Trung Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 201/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc;
- BCĐ TNB;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các Phó CT UBND tỉnh;
- HĐND các huyện, TX, TP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VX, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hiếu

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Quyết định số 2356/QĐ-TTg, ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số 02/TB-VPCP, ngày 06/01/2014 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Công văn số 120/UBDT-KHTC, ngày 21/02/2014 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Kết luận số 32-KL/TU, ngày 30/7/2013 của Tỉnh ủy Sóc Trăng tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Sóc Trăng;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,

UBND tỉnh Sóc Trăng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020:

1. Mục tiêu chung:

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; phát triển nguồn nhân lực vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu cụ thể như sau: Lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt 60% (trong đó 55% được đào tạo nghề); đảm bảo 100% vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên; 95% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường; người dân tộc thiểu số lao động trong nông nghiệp khoảng 36%.

- Trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính vùng dân tộc thiểu số phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số; ở các vị trí chủ chốt, nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số; 100% cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số cấp xã được đào tạo (trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên).

[...]