Quyết định 1054/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 1054/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2014
Ngày có hiệu lực 26/04/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Đức Vinh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1054/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 26 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Công văn 1301/UBDT-KHTC ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Công văn số 62/BDT-KH ngày 02 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần I

KHÁI QUÁT CHUNG

Miền núi tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích tự nhiên là 290.500 ha, chiếm 63,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có 53 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc khu vực III, 17 xã thuộc khu vực II và 31 xã khu vực I (Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015). Theo kết quả điều tra dân số tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh có 33 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 13.686 hộ, 61.588 khẩu, chiếm 5,3% dân số toàn tỉnh, trong đó đông nhất là dân tộc Raglay (45.915 người, chiếm 74,55% dân tộc thiểu số). Các dân tộc thiểu số của tỉnh sống tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi của tỉnh (trên 90%), số còn lại sống rải rác ở các xã, thị trấn đồng bằng.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự khởi sắc đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện và từng bước nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố tương đối đồng bộ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển dịch đúng hướng; nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt được quan tâm; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có sự chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng đồng bào với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn còn khá xa. Công tác giảm nghèo tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng DTTS và miền núi theo chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 còn cao, chiếm 20,64% (trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 61,67% so với tổng số hộ nghèo), trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả tỉnh là 9,4%. Chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng còn hạn chế; các thể chế văn hóa chưa đủ điều kiện phục vụ đời sống; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm, nông nghiệp, tự cấp, tự túc, trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động của đồng bào DTTS còn hạn chế, sản xuất còn manh mún, chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn; cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, trường học đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Phần II

MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm từ 6 - 6,5%;

[...]