Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Quyết định 92/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý Hồ Tây do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 92/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/08/2009
Ngày có hiệu lực 29/08/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Khôi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 92/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỒ TÂY

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 8/1998/QH ngày 01/6/1998; Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004; Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 12/12/2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 1209/QĐ-TTg ngày 04/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Qui hoạch chi tiết quận Tây Hồ tỷ lệ 1/2.000;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3214/TTr-SXD.HTMT.CTN ngày 14/5/2009, văn bản số 1288/STP-VBPQ ngày 30/7/2009 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý Hồ Tây”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Chủ tịch UBND quận Tây Hồ; Giám đốc các Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Chủ tịch UBND các phường: Bưởi, Thụy Khê, Nhật Tân, Xuân La, Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ) và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Bí thư Thành ủy; (để b/c)
- Thường trực Thành ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND Thành phố; (để b/c)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để b/c)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: XD, TT&TT, GTVT, TNMT, Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- VPUB: Các PVP, GT, TH, XD, VHKG, CT, TNMT;
- Các Báo: HNM, KTĐT, ANTĐ, Đài PT&THHN; (để đưa tin);
- TTLT, TTCB;
- Cổng giao tiếp điện tử HN;
- Lưu: VT, GT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH  




Nguyễn Văn Khôi  

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HỒ TÂY
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 92/2009/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về nội dung quản lý và trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ, của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc quản lý Hồ Tây.

2. Phạm vi quản lý Hồ Tây trong Quy định này được giới hạn từ chỉ giới đường đỏ của đường dạo xung quanh hồ và các công trình liền kề trở vào lòng hồ (có bản đồ kèm theo).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Mọi tổ chức, cá nhân, kể cả người nước ngoài, khi tham gia các hoạt động trong và ngoài phạm vi quản lý Hồ Tây có ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực quản lý Hồ Tây phải chấp hành các nội dung của Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, một số từ ngữ chuyên ngành được hiểu như sau:

1. “Chất thải” là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

2. “Chất thải rắn” là chất thải ở thể rắn được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.

3. “Nước thải khu vực hồ Tây” là chất thải ở thể lỏng được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và các hoạt động khác, có khả năng làm ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường nước, không khí khu vực hồ Tây.

4. “Lòng hồ” là vùng chứa nước kể từ đỉnh kè trở xuống đáy hồ.

5. “Hệ thống hạ tầng xung quanh hồ” bao gồm hè, đường, kè, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng và công trình phụ trợ khác.

6. “Hệ sinh thái Hồ Tây” là hệ quần thể sinh vật trong khu vực địa lý của Hồ Tây cùng tồn tại, phát triển và có tác động qua lại với nhau.

[...]