Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Quyết định 20/2008/QĐ-UBND Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 20/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/04/2008
Ngày có hiệu lực 26/04/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Khôi
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 20/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 01/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 19/02/2007 của Chính phủ quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP ngày 29/06/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2006/NQ-NĐ ngày 22/7/2006 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về phân cấp một số lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế -xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách năm 2007;
Theo đề nghị của Liên ngành: Sở Giao thông công chính và Công an thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 1193/TTrLN ngày 16/11/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 227/2006/QĐ-UBND ngày 12/12/2006 của UBND thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư thành ủy; (để báo cáo)
- TT Thành ủy, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- VP Chính phủ; (để báo cáo)
- Các Bộ: XD, TP, GTVT; (để báo cáo)
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- CPVP, Các Phòng CV;
- Trung tâm công báo; (để đăng công báo)
- Đài PTTH Hà Nội, Các Báo: HNM, KTĐT, ANTĐ; (để đưa tin)
- Lưu: VT.(120b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 04 năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định cụ thể nội dung việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý và xử lý đối với các hành vi vi phạm trong việc sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố.

3. Các Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia các hoạt động quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các nội dung của quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường

1. Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thộc sở hữu của Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mốc giới; các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi hè phố, lòng đường bao gồm các công trình cấp nước, thoát nước, điện lực, chiếu sáng, thông tin, môi trường, tuy nen kỹ thuật và các công trình khác.

Hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khi sử dụng hè phố, lòng đường vào mục đích khác phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đúng các quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường bị xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tùy theo tính chất, phạm vi , mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

3. Sở Giao thông công chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường trên phạm vi toàn Thành phố và chịu trách nhiệm quản lý việc xây dựng, sử dụng, duy tu đối với đường phố đã đặt tên.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm quản lý việc xây dựng, sử dụng, duy tu đường phố chưa đặt tên và toàn bộ hè phố trên địa bàn.

Chương 2.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quản lý việc sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để xe đạp, xe máy, ô tô

[...]