Quyết định 911/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 911/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/06/2010
Ngày có hiệu lực 17/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 911/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN CÓ TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 232/TTr-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2010 về việc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020”, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ cả về quy mô và chất lượng, nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý đại học tiên tiến của đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng;

b) Tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của cả nước, phấn đấu đến năm 2020, đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam;

c) Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, tranh thủ và phát huy mạnh mẽ sự hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong đào tạo tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học, của giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Việt Nam;

d) Tạo cơ sở vững chắc để đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; từng bước đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

b) Thực hiện việc đào tạo tiến sĩ theo các hình thức như sau:

- Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2010 đến 2013 mỗi năm tuyển chọn từ 800 - 1200 nghiên cứu sinh; từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1300 - 1500 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài;

- Đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2010 đến năm 2013 mỗi năm tuyển chọn 300 - 350 người; từ năm 2014 trở đi bình quân mỗi năm tuyển chọn 450 người;

- Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước. Từ 2010 đến 2015 mỗi năm tuyển chọn 1200 - 1500 nghiên cứu sinh; từ năm 2016 bình quân mỗi năm tuyển chọn 1500 nghiên cứu sinh.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyển sinh và tạo nguồn:

a) Đối tượng tuyển chọn là giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên; những người có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sau khi được đào tạo, có độ tuổi không quá 45 tuổi;

b) Ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm, các trường đại học xuất sắc;

c) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn trước khi gửi đi đào tạo cho những người đã được tuyển đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

2. Phương thức đào tạo:

Thực hiện ba phương thức đào tạo gồm:

- Đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài;

- Đào tạo theo hình thức phối hợp: một phần thời gian ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài;

- Đào tạo toàn thời gian ở trong nước, trong đó có thời gian thực tập nghiên cứu ở nước ngoài.

[...]