Quyết định 910/1997/QĐ-TTg năm 1997 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ giai đoạn từ nay đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 910/1997/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 24/10/1997 |
Ngày có hiệu lực | 08/11/1997 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Đầu tư,Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 910/1997/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1997 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông
Nam Bộ do Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tại
Công văn số 5834/HĐTĐ ngày 18 tháng 9 năm 1997,
QUYẾT ĐỊNH:
I- MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
1. Về kinh tế:
- Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 874 USD vào năm 2000; và đạt 2178 USD vào năm 2010.
- Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,93% từ nay đến năm 2000 và đạt 12,3% giai đoạn 2001-2010.
- Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hàng năm từ 29% đến 31% trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2010.
- Tỷ lệ tích luỹ từ GDP phấn đấu đến năm 2000 đạt trên 24%, và đến năm 2010 đạt trên 27%.
2. Về xã hội:
- Phấn đấu giảm mức sinh hàng năm để bảo đảm tỷ lệ tăng dân số bình quân đến năm 2000 là 2,3%; đến năm 2010 còn 1,6%.
- Đảm bảo tốt các nhu cầu về điện, nước, khí đốt, đi lại, thông tin liên lạc, đáp ứng các điều kiện sống cho nhân dân ở các đô thị hạt nhân và dân cư vùng nông thôn có mức sống trên trung bình so với cả nước. Xây dựng gia đình văn hoá gắn với thôn bản, văn minh đô thị, xoá bỏ các tệ nạn xã hội.
- Đa dạng hoá các hình thức đào tạo để nâng cao trình độ học vấn, nâng số lao động được đào tạo lên 25% vào năm 2000 và 50% vào năm 2010. Phấn đấu hoàn thành xoá nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; đầu tư cho các trung tâm y học chữa trị các bệnh chuyên khoa hiểm nghèo cho nhân dân các tỉnh phía nam.
- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
3. Về an ninh quốc phòng:
Giữ gìn kỷ cương, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước.
II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn từ nay tới năm 2000 đạt từ 14,7% -15%, từ năm 2001 tới năm 2010 đạt từ 13,3% - 13,5%.
Phát triển các ngành công nghiệp: Khai thác dầu khí, điện, cơ khí, luyện kim, điện tử tin học, hoá chất, dệt - may, da giầy, giấy, nhựa, sành sứ, thuỷ tinh, chế biến lương thực, thực phẩm... Đầu tư thiết bị hiện đại cho các ngành có sản phẩm mũi nhọn mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy xuất khẩu. Đầu tư cho các Khu công nghiệp và khu chế xuất nhằm tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trước mắt ưu tiên cho 2 khu chế xuất: Tân Thuận, Linh Trung và 26 khu công nghệp: Hiệp phước, khu kỹ thuật cao Thủ Đức, Cát Lái, Bắc Thủ Đức, Tân Phú Trung, Biên Hoà I, Biên Hoà II, Hố Nai, Sông Mây, Long Bình, Tuy Hạ, Gò Dầu, Mỹ Xuân - Phú Mỹ, Long Hương, Sóng Thần, Bình Đường, Bình Hoà, Thuận Giao, An Phú, Tân Định, Bầu Bèo, Hầm Tân, Phan Thiết, Tuy Phong, Bảo Lộc, La Ngà.
2. Về phát triển thương mại và các ngành dịch vụ:
Phát triển thương mại và các ngành dịch vụ phải gắn với sự phát triển chung của ngành kinh tế nhằm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội của vùng. Chuyển dịch cơ cấu các ngành thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, ngân hàng, tài chính, chuyển giao công nghệ. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng từ nay tới năm 2000 là 12,93% - 13,2%; và giai đoạn 2001-2010 đạt trên 12%. Phát triển xuất nhập khẩu, xây dựng một số trung tâm thương mại và siêu thị tạo ra môi trường thuận lợi cho việc trao đổi, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm về kinh doanh và quản lý hiện đại.
Nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các hình thức du lịch, hình thành các tuyến du lịch vùng và liên vùng. Thiết lập 2 trung tâm du lịch hiện đại là Đà Lạt và Vũng Tàu, tạo ra sự gắn kết giữa hai trung tâm này với thành phố Hồ Chí Minh. Phát huy thế mạnh của vùng, mở các tuyến du lịch với các nước trong khu vực và quốc tế. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, gắn khai thác với tôn tạo, duy trì, bảo dưỡng và phát triển tài nguyên du lịch, giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc.
3. Về phát triển ngành nông, lâm, ngư nghệp:
Phát triển ngành nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, phát huy thế mạnh nhằm đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường; đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thâm canh với trình độ cao và ổn định. Chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, chè, điều; cây ăn quả... Phát triển các sản phẩm nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời phát triển chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thời kỳ từ nay tới năm 2000 là 4,5%, giai đoạn 2001-2010 là 4%.