Thông báo số 183/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 183/TB-VPCP
Ngày ban hành 14/11/2003
Ngày có hiệu lực 14/11/2003
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 183/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2003

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 183/TB-VPCP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2003 VỀ KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2010

Ngày 23 tháng 10 năm 2003, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chủ trì Hội nghị nghe ý kiến tham gia vào Đề án phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2010 để hoàn thiện trình Bộ Chính trị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Du lịch, các Tổng công ty: Dầu khí, Cao su và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt Đề án phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ý kiến của các địa phương và các Bộ, ngành, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kết luận như sau:

I- ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Nhất trí với nội dung cơ bản Đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, những ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các Bộ, ngành, các địa phương.

1) Về vị trí, vai trò Vùng Đông Nam Bộ;

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng; là Vùng hoàn thành kế hoạch thu cao nhất cả nước về thu ngân sách, đồng thời cũng là Vùng kẻ địch luôn tìm cách chống phá ta.

Hội nghị này cần bàn về định hướng phát triển những ngành, lĩnh vực cụ thể để phát huy tối đa và có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh như: kết cấu hạ tầng tốt, đầu mối giao thông đường biển, hàng không, đường bộ, đường sắt; là nơi phát luồng cho hàng hóa xuất khẩu không chỉ của Vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên...; là vùng có hiệu quả đầu tư cao nhất. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để Vùng Đông Nam Bộ phát huy vai trò của Vùng động lực, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

2) Những tồn tại của Vùng cần khắc phục:

Đông Nam Bộ là Vùng công nghiệp, nhưng so với yêu cầu cần phát triển trong khu vực, quy mô sản xuất còn nhỏ bé, tiềm lực còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quy hoạch chưa trở thành tiền đề để tập trung tiềm lực đầu tư phát triển nhanh sản xuất và dịch vụ.

Công nghệ sản xuất chưa được hiện đại hóa, chi phí cao, hiệu quả thấp. Nếu không nâng cao sức cạnh tranh, phấn đấu giảm chi phí bằng các biện pháp ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch... để thúc đẩy sản xuất phát triển vượt trội thì hệ quả là sẽ làm cho nền kinh tế của cả nước phát triển chậm lại và không bền vững.

Kết cấu hạ tầng (đường, cảng, sân bay, thông tin...) nhìn chung chưa thể hiện những yếu tố phát triển văn minh, hiện đại; thị trường công nghệ, thông tin còn bất cập; chưa gắn nghiên cứu, giảng dạy với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Vấn đề môi trường, nguồn nguyên liệu, dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Trong quá trình phát triển sản xuất và dịch vụ, do chưa tính toán kỹ và thiếu đồng bộ, phân bố và điều chỉnh chưa hợp lý nên đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, nhất là môi trường tại các đô thị lớn.

II- MỘT SỐ VIỆC CẦN LÀM:

1. Tập trung xây dựng quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ; quy hoạch cần được xây dựng chi tiết làm rõ mục đích là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng Đông Nam Bộ để có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và phấn đấu hội nhập thắng lợi.

- Đề án cần làm rõ việc ưu tiên phát triển ngành nào, lĩnh vực nào để khắc phục những mặt còn lạc hậu (như kết cấu hạ tầng, môi trường, nguồn nguyên liệu và dịch vụ). Đồng thời, phải xây dựng hệ thống cơ chế chính sách tạo điều kiện cho Vùng phát triển. Cần xác định hướng đi, các biện pháp thiết thực cho quá trình đầu tư phát triển ngành chủ lực, sản phẩm chủ lực...

- Đề án phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ phải gắn kết với quá trình chuyển động chung của khu vực và thế giới như Chương trình, kế hoạch tiểu Vùng sông Mê Kông; gắn phát triển Vùng với quá trình hội nhập; cần dự báo những biến động mạnh của khu vực Đông Nam á tác động như thế nào đến Vùng để có dịnh hướng chuyển dịch cơ cầu kinh tế phù hợp...

- Trong quá trình xây dựng quy hoạch cần học hỏi kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước khu vực để vận dụng vào quá trình xác định quy hoạch tổng tbể, quy hoạch ngành và lĩnh vực. Cần thuê chuyên gia tư vấn giúp đỡ trong một số lĩnh vực mà ta chưa đủ kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch như: giao thông, công nghiệp, bưu chính viễn thông....

- Về quy hoạch khu công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ: Vùng có số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài lớn. Cần xem xét lại các khu công nghiệp để việc đầu tư xây dựng có trật tự, hợp lý, hỗ trợ, tác động lẫn nhau, tránh triệt tiêu nhau. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa có nên giá thành sản xuất cao. Các Bộ cần tập trung chỉ đạo làm quyết liệt để xây dựng cho được những ngành công nghiệp hỗ trợ cần thiết. Quy hoạch cho tương lai phải chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tạo sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường và phải phát triển để đạt được tỷ trọng giá trị công nghiệp Vùng chiếm từ 50% trở lên so với cả nước.

Cần tập trung xác định và phát triển những ngành công nghiệp phát huy được lợi thế so sánh, đáp ứng nhu cầu lâu dài trong nước và xuất khẩu. Việc xây dựng các xí nghiệp vừa phải phát huy lợi thế của địa phương (như không gian, đất đai, lao động, nguồn nguyên liệu...); đồng thời, phải đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước. Định rõ loại công nghiệp nào được xây dựng, phát triển trong thành phố, loại nào đưa về các địa phương khác. Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm không nên để tại thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Công nghiệp chủ trì, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với địa phương để làm rõ. Một số công trình then chốt của Vùng Đông Nam Bộ bao gồm:

Ngành Dầu khí: Vùng thềm lục địa Đông Nam Bộ có nguồn dầu khí quan trọng; hiện nay đã có trung tâm Điện Phú Mỹ, Bà Rịa, khí hóa lỏng, đạm. Tương lại sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu, hóa dầu tại Vùng này. Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Dầu khi Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cụ thể về địa điểm xây dựng.

Ngành công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm cần được phát triển (xúc tiến việc xây dựng Chính phủ Điện tử, doanh nghiệp điện tử...). Ngành Bưu chính Viễn thông phải được xây dựng theo hướng đi trước, hiện đại hóa nhằm hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và phát triển. Đồng thời, phải tạo ra thị trường công nghệ để các doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn, ứng dụng những công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học... vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Trong cơ cấu kinh tế, tuy ảnh hưởng của nông nghiệp đến tăng trưởng không lớn nhưng đây là một ngành rất quan trọng. Nông nghiệp Vùng Đông Nam Bộ phải được phát triển theo hướng trồng những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo nguồn thực phẩm sạch cho thành phố và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phấn đấu để người nông dân có thu nhập cao.

2. Cần chú trọng phát triển ngành dịch vụ, du lịch; trong đó, dịch vụ Hàng không Vùng Đông Nam Bộ có ưu thế vì đây là cửa ngõ quốc tế, lưu lượng khách vào, ra chiếm phần lớn so với cả nước. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới hợp tác Hàng không theo hướng "Bầu trời mở". Vì vậy, phải quy hoạch ngành Hàng không đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Đối với các ngành dịch vụ nói chung, cần lựa chọn, xây dựng những ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ cao. Các Bộ, ngành cùng địa phương bàn chi tiết nhằm phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán.

3) Phát triển nguồn nhân lực: cần tổ chức đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật, có kỷ luật phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần chú trọng lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nhất là đào tạo công nhân có tay nghề cao, kể cả lĩnh vực công nghệ thông tin. Bộ Giáo dục và đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sắp xếp cơ sở đào tạo ngành nghề hợp lý. Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây tiêu chuẩn Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp.

4) Về vấn đề môi trường: trong Đề án phải tính kỹ các yếu tố để bố trí sản xuất hợp lý và không gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Cần nghiên cứu, triển khai dự án xử lý rác thải cho cả vùng, với công nghệ hiện đại trong quá trình xử lý chất thải... Đầu tư phát triển sản xuất phải gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường, tránh sai lầm trong phát triển.

[...]