ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
90/2005/QĐ-UB
|
TP.Hồ
Chí Minh, ngày 30 tháng 05 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CƯ TRÚ VÀ LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI TẠM
TRÚ CÓ THỜI HẠN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức
Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995 ;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 ; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002 ;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981 ; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990 ; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị định số 51/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về đăng ký và
quản lý hộ khẩu ;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Bộ Luật Lao động về việc làm ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về
phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Căn cứ Nghị quyết số 20/2004/NQ-HĐ ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân
dân thành phố khóa VII về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2005 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Công văn số
3742/TT-LĐTBXH-LĐ ngày 29 tháng 9 năm 2004 ; của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công
văn số 984/STP-VB ngày 14 tháng 3 năm 2005 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý
cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí
Minh”.
Điều 2.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký
ban hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân
thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an thành
phố và Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận-huyện,
phường-xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận :
- Như điều 3
- Thủ tướng Chính phủ
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Công an
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- ủy ban nhân dân thành phố
- ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
- Các Đoàn thể thành phố
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy
- Các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố
- Báo, Đài thành phố
- VPHĐ-UB : Các PVP, các Tổ NCTH
- Lưu (VX/LC)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tài
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CƯ TRÚ VÀ LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI TẠM TRÚ CÓ THỜI HẠN
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90 /2005/QĐ-UB ngày 30
tháng 5 năm 2005 của ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích của việc quản lý cư trú và lao động :
1. Quản lý cư trú và lao động được
quy định trong Quy chế này nhằm bảo đảm việc cư trú và lao động của người tạm
trú đúng quy định của pháp luật và phù hợp mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát
triển kinh tế-xã hội của thành phố, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trên địa
bàn.
2. Quản lý cư trú và lao động của
người tạm trú nhằm cập nhật số liệu về tình hình người dân đến tạm trú tại
thành phố và số lượng người có việc làm ổn định, người có việc làm không ổn định
và người chưa có việc làm để có định hướng quy hoạch, kế hoạch đào tạo
nghề và giới thiệu việc làm cho người tạm trú.
Điều 2. Phạm
vi và đối tượng điều chỉnh :
1. Quy chế này áp dụng đối với
những người tạm trú có thời hạn tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa đủ điều kiện,
tiêu chuẩn để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố.
2. Người tạm trú có thời hạn, tổ
chức, cá nhân cho người tạm trú thuê nhà, ở nhờ, làm việc trong cơ sở của mình
đều phải tuân theo các quy định của bản quy chế này.
3. Quy chế này không áp dụng đối
với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đang tạm trú tại
thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 2:
QUẢN LÝ CƯ TRÚ
Điều 3. Điều
kiện để được đăng ký tạm trú có thời hạn :
Người tạm trú được đăng ký tạm
trú có thời hạn tại thành phố khi đáp ứng các điều kiện sau :
1. Không thuộc diện phải thi
hành quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cư trú bắt buộc tại địa phương hoặc cấm cư
trú tại thành phố ;
2. Có các loại giấy tờ cần
thiết sau :
a) Người từ đủ 14 tuổi trở lên
phải có chứng minh nhân dân. Trường hợp chưa được cấp chứng minh nhân dân hoặc
đã mất chứng minh nhân dân thì phải có giấy tờ tùy thân do cơ quan Nhà nước cấp
;
b) Người từ đủ 15 tuổi trở lên
phải có giấy báo tạm vắng theo quy định hoặc xác nhận đã xóa hộ khẩu của công
an nơi người đăng ký hộ khẩu thường trú, trừ những trường hợp cán bộ, công nhân
viên cơ quan Nhà nước được cử đi học tập, công tác tại thành phố ;
c) Người chưa thành niên, người
được giám hộ nếu không sống cùng với cha, mẹ, người giám hộ thì phải có Giấy đồng
ý của cha, mẹ, người giám hộ về việc cho con, người được giám hộ đến cư trú tại
thành phố.
Giấy đồng ý phải nêu rõ việc đồng
ý cho con (hoặc người được giám hộ) đến thành phố làm gì, ở với ai, quan hệ như
thế nào, địa chỉ nơi ở tại thành phố và có xác nhận của ủy ban nhân dân phường-xã,
thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người chuyển đi, chứng nhận người
chuyển đi có đăng ký hộ khẩu tại địa phương và mối quan hệ giữa người đứng tên
trong Giấy đồng ý với người chuyển đi.
d) Nam công dân từ đủ 17 tuổi đến
dưới 18 tuổi phải có Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của Ban Chỉ huy
quân sự quận-huyện nơi người đó có hộ khẩu thường trú hoặc nơi người đó đăng ký
tạm trú trong trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại bất cứ nơi nào khác.
đ) Nam công dân từ đủ 18 đến 27
tuổi phải có một trong các loại giấy sau : quyết định xuất ngũ, giấy tạm
hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự do cơ quan có thẩm quyền cấp ; giấy
xác nhận chưa gọi nhập ngũ của Ban Chỉ huy quân sự phường-xã, thị trấn nơi người
đó có hộ khẩu thường trú hoặc nơi người đó đăng ký tạm trú trong trường hợp
không có hộ khẩu thường trú tại bất kỳ nơi nào khác.
3. Có nơi ở hợp pháp thuộc một
trong các trường hợp sau :
a) Nhà ở thuộc sở hữu của mình ;
b) Trường hợp nhà ở chưa có đủ
giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp thì phải có chứng nhận của ủy
ban nhân dân phường-xã, thị trấn nơi căn nhà tọa lạc xác nhận nhà ở không thuộc
một trong các trường hợp lấn chiếm, nằm trong quy hoạch đã có thông báo phải di
chuyển, đang tranh chấp hoặc nhà xây trên đất không được quy hoạch làm nhà ở ;
c) Trường hợp thuê nhà ở phải có
hợp đồng thuê nhà hợp pháp ;
d) Trường hợp ở nhờ phải có Giấy
bảo lãnh của chủ nhà có chứng nhận của ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn nơi
căn nhà tọa lạc xác nhận về tình trạng pháp lý căn nhà và chữ ký của người bảo
lãnh.
4. Trường hợp người tạm trú
không đáp ứng điều kiện về nhà ở quy định tại khoản 3 Điều này thì được cấp
sổ hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn theo mẫu riêng do Công an thành phố hướng
dẫn. Sổ đăng ký tạm trú cấp cho hộ gia đình phải có phần ghi chú về tình trạng
pháp lý căn nhà.
Điều 4. Quyền
lợi và nghĩa vụ của người tạm trú có thời hạn :
1. Người tạm trú có thời hạn tại
thành phố được tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền công dân theo quy định
của pháp luật.
2. Người tạm trú có thời hạn tại
thành phố có các nghĩa vụ sau :
a) Thực hiện thủ tục đăng ký tạm
trú, tạm vắng theo hướng dẫn của cơ quan Công an ;
b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã
được cấp Sổ đăng ký tạm trú có thời hạn nhưng chưa được cấp chứng minh nhân dân
hoặc đã mất chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục để được cấp Giấy tạm trú
có thời hạn ;
c) Chấp hành các quy định của
pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy ;
d) Thực hiện các nghĩa vụ đóng
góp, tham gia các phong trào theo quy định của pháp luật và địa phương nơi tạm
trú ;
đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cho người tạm trú thuê nhà, ở nhờ :
Tổ chức, cá nhân cho người tạm
trú thuê nhà, ở nhờ có các trách nhiệm sau :
1. Nhà cho thuê, cho ở nhờ phải
bảo đảm các điều kiện thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của người
chủ cho thuê, cho ở nhờ ; phải đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và
các điều kiện vệ sinh môi trường ;
2. Khi có người đến cư trú phải
khai báo, đăng ký tạm trú theo quy định ;
3. Phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ
nộp thuế và đóng góp các loại quỹ theo quy định của pháp luật ;
4. Phải thông báo ngay cho cơ
quan Công an nếu có nghi vấn và những hoạt động phạm pháp của người tạm trú ;
5. Các nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật.
Chương 3:
QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
Điều 6. Cấp
Sổ lao động, Thẻ lao động, Thẻ đăng ký tìm việc làm :
Nam từ đủ 15 đến 60 tuổi, nữ từ
đủ 15 đến 55 tuổi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Quy chế này được cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Sổ lao động, Thẻ lao động, Thẻ đăng ký tìm việc
làm như sau :
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội cấp Sổ lao động cho những người lao động đang làm việc có hợp đồng lao động
trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế ;
2. ủy ban nhân dân quận-huyện
nơi người lao động đăng ký tạm trú cấp Thẻ lao động cho những người lao động
đang làm những công việc lao động tự do mà pháp luật không cấm ;
3. ủy ban nhân dân phường-xã, thị
trấn nơi người lao động đăng ký tạm trú cấp Thẻ đăng ký tìm việc làm cho những
người trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm và có nhu cầu tìm việc
;
4. Trình tự, thủ tục cấp Sổ lao
động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ;
5. Trình tự, thủ tục cấp Thẻ lao
động, Thẻ đăng ký tìm việc làm thực hiện theo hướng dẫn của Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội.
Điều 7. Quyền
và nghĩa vụ của người lao động :
1. Người lao động tạm trú có thời
hạn tại thành phố Hồ Chí Minh được hưởng lương và các chế độ, chính sách dành
cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và theo thỏa thuận với
người sử dụng lao động.
2. Có nghĩa vụ chấp hành nghiêm
chỉnh các quy định của Pháp luật Lao động, các thỏa thuận đối với người sử dụng
lao động, các quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế này.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động) :
1. Ưu tiên tuyển dụng lao động đối
với những người đã đăng ký cư trú hợp pháp tại thành phố. Nếu không tuyển dụng
được lao động là người cư trú hợp pháp tại thành phố do không có nguồn tuyển ;
hoặc không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, người sử dụng
lao động có quyền tuyển dụng lao động ở các tỉnh, thành phố khác và phải thông
báo bằng văn bản cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố trong thời hạn
10 ngày kể từ ngày tuyển dụng ;
2. Làm thủ tục đăng ký cấp Sổ
lao động cho người lao động theo quy định ;
3. Hướng dẫn người lao động từ
các tỉnh, thành phố khác đến đang làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp của mình thực
hiện đầy đủ các quy định về đăng ký tạm vắng, tạm trú ;
4. Người sử dụng lao động phải thực
hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động, các thỏa thuận đối
với người lao động, các quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế này.
Chương 4:
TRÁCH NHIÊM CỦA CƠ QUAN
LIÊN QUAN
Điều 9. Sở
Lao động-Thương binh và Xã hội :
1. Tổ chức triển khai thực hiện
cấp Sổ lao động ; hướng dẫn ủy ban nhân dân quận-huyện cấp Thẻ lao động ; hướng
dẫn để ủy ban nhân dân quận-huyện chỉ đạo các phường-xã, thị trấn thực hiện cấp
Thẻ đăng ký tìm việc làm.
2. Thống kê, tổng hợp tình
hình lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến tạm trú tại thành phố Hồ Chí
Minh.
3. Tổ chức cấp và quản lý Sổ lao
động theo quy định Bộ Luật Lao động và hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội.
4. Kiểm tra, thanh tra đối với
các tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động là người từ các
tỉnh, thành phố khác chuyển đến.
5. Chủ trì phối hợp với Công an
thành phố tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện quy chế này đến các sở-ngành,
quận-huyện, phường-xã, thị trấn.
Điều 10.
Công an các cấp :
1. Công an thành phố hướng dẫn để
Công an quận-huyện chỉ đạo cho Công an phường-xã, thị trấn thực hiện việc đăng
ký tạm trú có thời hạn, quản lý người tạm trú có thời hạn và cấp Sổ, giấy đăng
ký tạm trú có thời hạn theo quy định tại Chương II Quy chế này.
2. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật
biến động, báo cáo hàng quý tình hình tạm trú trên địa bàn do mình quản lý.
Điều 11. ủy
ban nhân dân các quận-huyện :
1. Xây dựng kế hoạch sắp xếp dân
cư theo quy hoạch phát triển chung của thành phố.
2. Phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến
trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đoàn thể liên quan
lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu dân cư tập trung cho đối tượng người
lao động là những người từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc ở các khu công
nghiệp, khu chế xuất.
3. Chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn thuộc ủy ban nhân dân quận-huyện phối hợp các đoàn thể thực hiện việc quản
lý cư trú và lao động trên địa bàn theo quy định của Quy chế này.
4. Tổ chức cấp và quản lý Thẻ
lao động theo hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
5. Tổ chức tập huấn, triển khai
thực hiện quy chế này đến người sử dụng lao động trên địa bàn quận-huyện.
Điều
12. ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn :
1. Tổ chức cấp và quản lý Thẻ
đăng ký tìm việc làm theo hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ
đạo của ủy ban nhân dân quận-huyện.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động
nhân dân thực hiện tốt các quy định của Quy chế này.
Điều 13.
Các đoàn thể thuộc hệ thống chính trị, cơ quan pháp luật,
cơ quan thông tin đại chúng có nhiệm vụ thông tin, phổ biến đến nhân dân và các
cá nhân, tổ chức liên quan về các nội dung của Quy chế này để cùng phối hợp thực
hiện.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.
Khen thưởng :
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực
hiện tốt Quy chế này được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 15.
Xử lý vi phạm :
1. Cá nhân, cơ quan có trách nhiệm
trong việc thực hiện các quy định trong Quy chế mà không thực hiện tốt nhiệm vụ
được giao thì tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, người đứng đầu cơ quan sẽ bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm các
quy định của Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 16.
Đối với trường hợp đã được cấp Sổ đăng ký tạm trú có
thời hạn, Giấy tạm trú có thời hạn trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành
thì không phải làm thủ tục cấp mới.
Điều 17.
Giao Công an thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực
hiện các nội dung về quản lý cư trú ; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu
trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung về quản lý lao động ; kịp thời ghi
nhận những vướng mắc và đề xuất của các sở-ngành, tổ chức, cá nhân để tổng hợp
và tham mưu cho ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ